Hạ tầng - Chính sách

Sân bay khó hạ cánh bậc nhất thế giới: Nằm bên dưới dãy Himalaya, đóng cửa ban đêm, phi công phải qua khóa huấn luyện đặc biệt

Hải Đăng 21/09/2024 22:00

Được mệnh danh là sân bay khó hạ cánh bậc nhất trên thế giới, sân bay này chỉ hoạt động vào ban ngày và phi công phải hoàn thành khóa huấn luyện đặc biệt mới được bay đến đây.

Cách Thủ đô Thimphu khoảng 54km và nằm giữa thung lũng với hai đỉnh núi cao gần 5.500m thuộc dãy Himalaya, sân bay Paro có đường băng dài 2.265m (được coi là ngắn so với tiêu chuẩn của các sân bay lớn - nơi đường băng có thể dài hơn 3.000 - 4.000m).

Gió mạnh dưới thung lũng thường xuyên khiến máy bay chao đảo khi tới gần phi trường này đòi hỏi phi công phải có trình độ cao và thần kinh vững vàng. Địa hình hiểm trở cũng khiến sân bay này không thể tiếp nhận máy bay chở khách cỡ lớn.

Sân bay Paro được xem là sân bay khó hạ cánh bậc nhất trên thế giới vì địa hình phức tạp. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Sân bay Paro được xem là sân bay khó hạ cánh bậc nhất trên thế giới vì địa hình phức tạp. Ảnh: Internet

"Đây là nơi rất khó hạ cánh và thử thách kỹ năng phi công, nhưng không nguy hiểm. Tôi sẽ không bay nếu nơi này thực sự nguy hiểm" chia sẻ của cơ trưởng Chimi Dorji - cơ trưởng với 25 năm kinh nghiệm thuộc hãng hàng không quốc gia Bhutan - Druk Air.

>> Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà đầu tư trong tương lai?

Sân bay Paro thuộc loại C và để có thể bay đến đây, các phi công phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt gắt gao.

Họ phải thực hiện toàn bộ quá trình hạ cánh bằng tay mà không có sự trợ giúp từ radar hay thiết bị dẫn đường.

Sân bay có đường băng 2.265m - ngắn hơn so với các sân bay quốc tế khác trên thế giới. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Sân bay có đường băng 2.265m - ngắn hơn so với các sân bay quốc tế khác trên thế giới. Ảnh: Internet

Theo tiết lộ của cơ trưởng Dorji, việc quan trọng nhất là phi công phải hiểu rõ địa hình xung quanh sân bay, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến va chạm với các công trình xung quanh.

Bhutan nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ với hơn 97% diện tích là núi. Thủ đô Thimphu nằm ở độ cao 2.350m so với mực nước biển, trong khi sân bay Paro có độ cao 2.250m.

"Không khí ở đây loãng hơn so với các khu vực đồng bằng, do đó phi công phải bay với tốc độ cao hơn bình thường. Mặc dù tốc độ bay thực (TAS) trên đồng hồ không thay đổi so với khu vực đất thấp, nhưng tốc độ so với mặt đất sẽ nhanh hơn rất nhiều", Dorji giải thích.

TAS là tốc độ di chuyển của máy bay trong không khí, được điều chỉnh theo độ cao, áp suất không khí và điều kiện gió, khác với tốc độ mặt đất.

Sân bay được bao quanh bởi các dãy núi cao gây ra nhiều trở ngại đối với các phi công khi hạ cánh tại đây. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Sân bay được bao quanh bởi các dãy núi cao gây ra nhiều trở ngại đối với các phi công khi hạ cánh tại đây. Ảnh: Internet

Một yếu tố khác cần lưu ý khi bay đến khu vực này chính là yếu tố thời tiết. Máy bay đến Paro thường phải khởi hành từ rất sớm do yêu cầu của sân bay là hạ cánh trước buổi trưa để đảm bảo an toàn và tránh các cơn gió mạnh.

"Buổi chiều, thời tiết nóng hơn khiến không khí trở nên nhiễu loạn và tạo ra các luồng gió rất mạnh. Ngược lại, buổi sáng thời tiết thường êm ả hơn", Dorji chia sẻ.

Tuy nhiên, đây không phải vấn đề lớn khi cất cánh nên các hành khách có thể yên tâm khi khởi hành từ Paro vào buổi chiều.

Sân bay Paro không hoạt động vào ban đêm bất kể mùa nào trong năm, do thiếu radar. Hành khách cũng được khuyến cáo tránh đến đây vào mùa gió mùa (tháng 6-8) vì thường xuyên xảy ra giông lốc và mưa đá.

Cơ trưởng Dorji cho biết, phi công không chỉ cần biết cách bay đến và rời khỏi Paro mà còn phải biết khi nào điều kiện không an toàn để ra quyết định hủy hoặc hoãn chuyến bay.

"Họ cần phải hiểu rõ khi nào điều kiện bay không đảm bảo an toàn và đưa ra quyết định phù hợp", ông nhấn mạnh.

Phi công phải bay chếch một góc 45 độ qua những rặng núi và hạ độ cao nhanh chóng để đáp xuống đường băng, vốn khuất tầm nhìn trước khi máy bay tiếp cận.

Ở một vài thời điểm, máy bay có thể bay rất sát với các ngôi nhà trên đỉnh núi. Một ngôi nhà mái đỏ trên vách núi là điểm đánh dấu quan trọng để cơ trưởng xác định vị trí hạ cánh chính xác.

Ban đầu, đường băng của sân bay Paro chỉ dài 1.200m. Vì thế, chính phủ Bhutan đặt ra các tiêu chuẩn đặc biệt cho loại máy bay được phép vận hành tại đây. Những máy bay này phải là loại nhỏ, có 18-20 ghế, với khả năng cơ động cao, tăng tốc và nâng độ cao nhanh chóng.

Đến năm 1990, đường băng được kéo dài lên 1.964m và gia cố để phù hợp với các loại tàu bay nặng hơn.

Ngày 19/10/2004, chiếc Airbus A319-100 đầu tiên hạ cánh tại sân bay Paro, đánh dấu một bước phát triển quan trọng.

Đến năm 2018, sân bay Paro đã đón gần 400.000 lượt khách và hơn 6.700 chuyến bay. Một đường băng mới đã được xây dựng song song với đường băng cũ, cho phép sân bay xử lý tới 50 chuyến bay mỗi ngày.

Druk Air là hãng hàng không quốc gia Bhutan, được thành lập vào năm 1981 và vẫn còn tương đối mới so với các hãng bay lâu đời ở phương Tây.

Bhutan hiện chỉ có vài chục phi công được cấp phép bay, nhưng ngành hàng không nước này đang đặt mục tiêu đào tạo thêm phi công trong nước thay vì thuê nhân lực từ nước ngoài.

Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck gần đây đã chọn Gelephu - một thị trấn với 10.000 dân gần biên giới Ấn Độ, làm địa điểm xây dựng "Tân Thành phố Chánh niệm".

Trong dự án này, Bhutan sẽ xây dựng một sân bay quốc tế mới với diện tích lớn hơn và đường băng dài hơn, đủ để tiếp nhận các máy bay cỡ lớn.

"Với kinh nghiệm của mình, tôi giống như cầu nối giữa hai thế hệ phi công. Bhutan có thể sẽ tăng gấp đôi số phi công được cấp phép trong những năm tới và tôi rất mong chờ điều này" cơ trưởng Dorji bày tỏ.

Theo Forbes tính đến tháng 11/2018, có 17 phi công được huấn luyện đủ trình độ để thực hiện những màn hạ cánh nghẹt thở tại sân bay Paro. Trước đó, con số này là 8 phi công vào năm 2011.

>> Vùng Tây Nguyên sắp có sân bay thứ 4, án ngữ ở nơi được ví như 'Đà Lạt thứ hai' của Việt Nam

Tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối Duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên sẽ triển khai trước năm 2030

Trình Quốc hội dự án đường vành đai 136.000 tỷ đi qua 5 tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/san-bay-kho-ha-canh-bac-nhat-the-gioi-nam-ben-duoi-day-himalaya-dong-cua-ban-dem-phi-cong-phai-qua-khoa-huan-luyen-dac-biet-d133734.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sân bay khó hạ cánh bậc nhất thế giới: Nằm bên dưới dãy Himalaya, đóng cửa ban đêm, phi công phải qua khóa huấn luyện đặc biệt
    POWERED BY ONECMS & INTECH