Thế giới

Sân bay quốc tế trị giá hơn 6.000 tỷ đồng được Trung Quốc tài trợ bị ‘ đắp chiếu’

Thanh Lê 25/02/2025 06:15

Dù là sân bay mới nhất và đắt đỏ nhất nước này, đến nay vẫn chưa ai biết được khi nào nó sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Sân bay Quốc tế New Gwadar, công trình trị giá 240 triệu USD (tương đương hơn 6.000 tỷ đồng) được Trung Quốc tài trợ toàn bộ tại Pakistan vẫn đang trong tình trạng "đắp chiếu" kể từ khi hoàn thành vào tháng 10/2024.

Tọa lạc tại thành phố ven biển Gwadar thuộc tỉnh Balochistan nghèo đói và bất ổn ở phía Tây Nam Pakistan, sân bay này là một phần trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc, Pakistan (CPEC), dự án tỷ USD kết nối tỉnh Tân Cương của Trung Quốc với Biển Ả Rập mà Bắc Kinh đã đầu tư suốt thập kỷ qua.

Sân bay quốc tế trị giá hơn 6.000 tỷ đồng được Trung Quốc tài trợ bị ‘đắp chiếu' - ảnh 1
Sân bay Quốc tế New Gwadar

Mặc dù chính quyền Pakistan ca ngợi đây là dự án mang tính bước ngoặt, thực tế Gwadar vẫn chưa có nhiều cải thiện. Thành phố 90.000 dân này vẫn chưa được kết nối với lưới điện quốc gia, phải phụ thuộc vào nguồn điện từ Iran hoặc năng lượng mặt trời. Nguồn nước sạch cũng thiếu thốn trầm trọng. Trong bối cảnh đó, một sân bay công suất 400.000 hành khách dường như không phải ưu tiên cấp thiết.

Vùng đất kẹt giữa quân đội và phiến quân

Balochistan - vùng đất giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược - lâu nay vẫn ở trong tình trạng bất ổn. Các nhóm ly khai thường xuyên tấn công binh sĩ Pakistan và công nhân Trung Quốc, cáo buộc chính quyền trung ương bóc lột tài nguyên địa phương mà không mang lại lợi ích cho người dân.

Người Baloch cho rằng họ bị phân biệt đối xử và không được hưởng những cơ hội như các khu vực khác, dù chính phủ Pakistan đã bác bỏ điều này.

Để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Quốc, Pakistan đã thiết lập một hệ thống an ninh nghiêm ngặt tại Gwadar với các trạm kiểm soát, hàng rào dây thép gai, chướng ngại vật và tháp canh. Đường phố có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào để đảm bảo an toàn cho công nhân Trung Quốc và quan chức Pakistan.

Các sĩ quan tình báo theo dõi sát sao các nhà báo đến Gwadar. Chợ cá của thành phố thậm chí còn bị coi là một khu vực nhạy cảm, không cho phép đưa tin.

"Trước đây chúng tôi có thể tự do đi lại, không ai hỏi han gì. Giờ đây phải liên tục chứng minh danh tính dù là cư dân bản địa," ông Khuda Bakhsh Hashim, 76 tuổi chia sẻ và đặt câu hỏi: "Những người kiểm tra chúng tôi mới là ai?"

Sự mất mát của Gwadar: Nước, việc làm và tự do

Hashim vẫn nhớ những ngày Gwadar còn thuộc về Oman, khi nơi này là điểm dừng chân của tàu chở khách trên tuyến đường đến Mumbai. Khi đó, không ai phải chịu cảnh đói khát, đàn ông dễ dàng kiếm được việc làm, nguồn nước và lương thực luôn dồi dào..

Nhưng giờ đây, hạn hán và khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn nước của Gwadar. Việc làm cũng ngày càng khan hiếm.

Dù vậy, Gwadar vẫn giữ được nét quyến rũ riêng với ẩm thực đặc sắc và người dân thân thiện. Thành phố trở nên nhộn nhịp hơn vào các dịp lễ, đặc biệt là tại khu vực bãi biển. Song nhiều người vẫn e ngại đây là điểm đến nguy hiểm và khó tiếp cận.

z6347854279881_a88692153bba4c4eb0a1594b42657c0a.jpg
Sân bay quốc tế New Gwadar nằm ở thành phố ven biển Gwadar, thuộc tỉnh Balochistan, Pakistan

Hiện tại, chỉ có một tuyến bay thương mại với 3 chuyến/tuần đến Karachi, trong khi không có đường bay trực tiếp đến Quetta hay Islamabad. Tuyến đường cao tốc ven biển tuy phong cảnh đẹp nhưng thiếu thốn cơ sở dịch vụ.

Từ khi cuộc nổi dậy của người Baloch bắt đầu cách đây 5 thập kỷ, hàng nghìn người đã mất tích ở tỉnh này. Bất kỳ ai lên tiếng chống lại tình trạng bóc lột hoặc đàn áp đều có nguy cơ bị bắt giữ vì bị nghi ngờ liên quan đến các nhóm vũ trang. Nhiều người sống trong lo âu; các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc chính phủ thực hiện bắt cóc và tra tấn, dù chính quyền bác bỏ những cáo buộc này.

Hashim vẫn mong muốn CPEC mang lại việc làm, hy vọng và mục tiêu cho người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng điều đó chưa thành hiện thực.

Theo Viện Nghiên cứu Xung đột và An ninh Pakistan, mặc dù bạo lực của các nhóm vũ trang tại Balochistan đã giảm sau chiến dịch chống nổi dậy năm 2014, nhưng lại gia tăng từ năm 2021. Đặc biệt, Quân đội Giải phóng Baloch (BLA) càng mạnh hơn sau khi Taliban Pakistan chấm dứt lệnh ngừng bắn vào tháng 11/2022.

Lễ khánh thành bị trì hoãn

Do lo ngại an ninh, lễ khánh thành sân bay quốc tế đã bị hoãn lại. Các quan chức lo sợ rằng những ngọn núi gần sân bay có thể trở thành địa điểm lý tưởng cho một cuộc tấn công.

Thay vì tổ chức trực tiếp, Thủ tướng hai nước Pakistan và Trung Quốc đã tham gia qua hình thức trực tuyến, với chuyến bay khai trương không có sự tham dự của giới truyền thông và công chúng.

>> Đồng minh của Mỹ rơi vào khủng hoảng vì bị cắt viện trợ, hàng chục nghìn người nghỉ việc không lương

Chuyên gia: Thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới đối diện rủi ro nghiêm trọng, một tác nhân đến từ Trung Quốc

NHTW Trung Quốc tung biện pháp bình ổn tỷ giá trước áp lực quá lớn từ đồng USD

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/san-bay-quoc-te-tri-gia-hon-6000-ty-dong-duoc-trung-quoc-tai-tro-bi-dap-chieu-137406.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sân bay quốc tế trị giá hơn 6.000 tỷ đồng được Trung Quốc tài trợ bị ‘ đắp chiếu’
    POWERED BY ONECMS & INTECH