Sản xuất công nghiệp tháng 1/2025: TP.HCM, Hà Nội đều giảm, địa phương nào dẫn đầu tăng trưởng?
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)  tháng 1/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước. Trong đó, Trà Vinh là địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất cả nước trong tháng 1/2025 (tăng 43,1%). Xếp ở vị trí thứ 2 là Nam Định, tăng 29,5%; vị trí thứ 3 là Bến Tre (tăng 23,3%).
Những vị trí tiếp theo là Bắc Kạn (tăng 23,1%); Bình Phước (tăng 16,8%); Kiên Giang (tăng 15,9%); Khánh Hòa (tăng 15,7%); Đắk Lắk (tăng 15,4%); Hải Phòng (tăng 15,2%); Bình Thuận (tăng 13,8%);...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước - Ảnh: Bộ Công Thương |
Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Nam Định tăng 29,9%; Bắc Kạn tăng 28,5%; Bến Tre tăng 24,2%; Bình Phước tăng 17,0%; Kiên Giang tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 16,3%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao trong tháng 1/2025 gồm: Trà Vinh tăng 6,0%; Khánh Hòa tăng 30,8%; Bình Thuận tăng 20,6%; Đắk Lắk tăng 18,1%; Bắc Kạn tăng 14,8%.
Ngoài ra, một số địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất trong tháng 1/2025 như: Gia Lai (giảm 13,8%); Cà Mau (giảm 13,2%); Hà Tĩnh (giảm 9,8%); TP.HCM (giảm 9%); Hà Nội (giảm 8,3%); Đà Nẵng (giảm 7,9%);...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 1/2025 tăng cao với cùng kỳ năm trước gồm: Ô tô tăng 60,7%; tivi tăng 50,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 9,6%; sữa tươi tăng 7,3%; sữa bột tăng 5,7%; quần áo mặc thường tăng 5,0%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Than sạch giảm 20,0%; linh kiện điện thoại giảm 14,1%; xe máy giảm 12,0%; đường kính giảm 10,7%; khí hóa lỏng LPG giảm 9,2%; dầu thô khai thác giảm 8,2%; sơn hóa học giảm 6,8%; thép thanh, thép góc giảm 6,7%.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2025 tăng 0,2% so với thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước.
>>Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025