Sát ‘giờ G’, tin giả và thuyết âm mưu ‘bủa vây’ người Mỹ trước thềm bầu cử
Tin giả về gian lận bầu cử đang lan rộng trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri Mỹ vào hệ thống bầu cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024.
Các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử Mỹ chưa được kiểm chứng đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt: những hình ảnh giả mạo, bị cắt ghép về việc các phiếu bầu bị hủy và nhiều thông tin sai lệch về địa điểm bỏ phiếu nhận được hàng triệu lượt xem và đăng lại trên nền tảng X (Twitter) cùng các mạng xã hội khác.
Cơ quan tình báo Mỹ  tuần qua đã chỉ ra vai trò của các tác nhân nước ngoài, trong đó có Nga, trong việc tạo ra và phát tán thông tin sai lệch. Điển hình là vụ việc video giả mạo về cử tri Haiti tại Georgia, được xác định là một phần trong chiến dịch của Moscow nhằm gây chia rẽ xã hội Mỹ.
"Quy mô của thông tin sai lệch nhắm vào Cuộc bầu cử năm 2024 chưa từng có trong tiền lệ", bà Carah Ong Whaley, Giám đốc ban bảo vệ Bầu cử tại tổ chức Issue One nhận định. Các nhóm bảo vệ quyền bầu cử cảnh báo hiện tượng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri vào hệ thống bầu cử và tỷ lệ người đi bỏ phiếu.
Tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại khi cựu Tổng thống Trump tiếp tục duy trì quan điểm hoài nghi về kết quả bầu cử, tương tự như sau cuộc bầu cử năm 2020.
Từ sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, Trump  liên tục đưa ra các tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị "gian lận" và rằng chiến thắng của ông đã bị "đánh cắp" trên các nền tảng MXH và trong các cuộc vận động và sự kiện đối thoại.
Những tuyên bố này, mặc dù không có cơ sở pháp lý vững chắc và bị tòa án bác bỏ, đã lan truyền nhanh chóng trong các nhóm ủng hộ Trump và trên mạng xã hội, thúc đẩy hình thành cuộc bạo loạn tại Điện Capitol  ngày 6/1/2021.
Tác động khôn lường đến cử tri “trước giờ G”
Theo khảo sát mới nhất của Gallup công bố tháng 9, niềm tin của cử tri Mỹ vào kết quả bầu cử đang có xu hướng giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ 28% cử tri Đảng Cộng hòa tin tưởng vào độ chính xác của kết quả bầu cử toàn quốc, giảm mạnh so với mức 44% năm 2020 và 55% năm 2016.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở cử tri Đảng Dân chủ là 84%, tăng nhẹ so với mức 76% năm 2020 nhưng thấp hơn con số 85% của năm 2016.
Đáng chú ý, 70% cử tri Cộng hòa vẫn duy trì niềm tin vào tính minh bạch tại các điểm bỏ phiếu địa phương. Theo các chuyên gia, sự chênh lệch này phần nào phản ánh tác động của các thuyết âm mưu trên mạng xã hội.
"Dù nhiều thuyết âm mưu thiếu cơ sở khoa học, chúng vẫn đang lan truyền và ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân vào quy trình bầu cử", GS. William Pelfrey Jr., chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố nội địa tại Đại học Virginia Commonwealth nhận định.
“Muôn hình vạn trạng” tin giả
Các cơ quan chức năng Mỹ gần đây đã phát hiện và cảnh báo về một loạt video giả mạo, trong đó có cảnh hủy phiếu bầu tại bang Pennsylvania.
Tình trạng này càng trở nên phức tạp khi nhiều chính trị gia tận dụng các thuyết âm mưu nhằm tranh thủ cảm tình cử tri. Điển hình như việc ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa JD Vance  chia sẻ video về cáo buộc đảng Dân chủ cản trở bỏ phiếu tại Quận Bucks, Pennsylvania - một thông tin đã được chính quyền địa phương bác bỏ.
Đáng chú ý, những thông tin sai lệch này được khuếch đại mạnh mẽ qua các nền tảng mạng xã hội. Tỷ phú Elon Musk đã chia sẻ các cáo buộc về gian lận bầu cử tới hơn 200 triệu người theo dõi trên nền tảng X, trong khi cựu Tổng thống Trump cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trên Truth Social mà không có bằng chứng cụ thể.
Theo Viện Đối thoại Chiến lược (ISD), một mạng lưới các tài khoản giả mạo trên X đang lan truyền thông tin về việc người nước ngoài  dự định bỏ phiếu bất hợp pháp. Các bài đăng này đã thu hút hơn 11,7 triệu lượt xem.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng phát hiện mạng lưới Doppelganger của Nga đang tạo ra các trang web giả mạo nhằm bắt chước các cơ quan truyền thông uy tín như Washington Post và Fox News . Các trang này đăng tải nội dung chỉ trích Phó Tổng thống Harris, Tổng thống Biden và chính sách ủng hộ Ukraine của phương Tây..
Động thái từ chính quyền và các nền tảng mạng xã hội
Các công ty truyền thông xã hội lớn đang có xu hướng tiếp cận thận trọng hơn đối với thông tin sai lệch trong cuộc đua bầu cử 2024, thay vì chủ động can thiệp như trong các kỳ bầu cử trước. Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 9 tuyên bố sẽ không yêu cầu các nền tảng xóa bỏ các bài đăng gây hiểu lầm từ các tác nhân nước ngoài.
Vào năm 2020, Twitter  (nay là X) từng thông báo sẽ ẩn các thông điệp sai lệch từ những nhân vật chính trị và cảnh báo người dùng về nội dung gây hiểu lầm. Tuy nhiên, hiện tại, dưới quyền sở hữu của Elon Musk, nền tảng này đã trở thành nơi lan truyền các thuyết âm mưu chống nhập cư và cáo buộc đảng Dân chủ đang cố "đánh cắp" cuộc bầu cử.
Nền tảng Facebook của Meta cũng ngừng gắn nhãn các bài viết liên quan đến bầu cử và thay vào đó chuyển hướng người dùng đến trung tâm thông tin bỏ phiếu của công ty, như đã làm năm 2020. Meta cũng đã dừng đề xuất nội dung chính trị cho hầu hết người dùng trên Facebook, Instagram và Threads.
Các tổ chức giám sát bên ngoài, từng đóng vai trò lớn trong việc xác thực thông tin, nay đã bị giảm bớt ảnh hưởng, hạn chế sự giám sát độc lập đối với các câu chuyện chính trị lan truyền.
Đài quan sát Internet Stanford, vốn theo dõi thông tin sai lệch, đã ngừng hoạt động trong năm nay sau khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các nhóm bảo thủ cáo buộc tổ chức này hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Giữa lúc thông tin sai lệch ngày càng tăng, các cơ quan tình báo tại Washington đang đẩy mạnh công khai các nỗ lực từ nước ngoài nhằm tác động đến quan điểm chính trị tại Mỹ. Trong những tuần gần đây, Bộ Tư pháp, FBI, ODNI và các quan chức nhà nước đã tiết lộ chi tiết về những nỗ lực can thiệp này – điều khác biệt rõ rệt so với cách chính quyền Obama giữ im lặng về sự can thiệp của Nga trước bầu cử 2016.
Trong bối cảnh này, các cơ quan tình báo Mỹ đang tăng cường công khai thông tin về các nỗ lực can thiệp từ nước ngoài. "Chính phủ cần chủ động kiểm soát thông tin và xây dựng niềm tin với người dân", ông George Barnes, cựu Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia nhận định.
Theo Reuters, CNBC, FT
>> Ông Trump yêu cầu ‘trùm truyền thông nước Mỹ’ đảm bảo chiến thắng cho cuộc đua vào Nhà Trắng 
Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liệu lịch sử có lặp lại? 
Mỹ nỗ lực đối phó làn sóng tin giả trước thềm bầu cử