Chứng khoán

Sau giai đoạn sa thải 4.000 nhân sự, ông lớn dệt may 50 năm tuổi tại TP. HCM sống 'thoi thóp' chờ ngày hủy niêm yết

Hải Băng 31/12/2024 - 16:22

HoSE chính thức ấn định ngày hủy niêm yết cổ phiếu GMC của Garmex Sài Gòn do công ty này "trắng doanh thu" kể từ sau dịch Covid-19.

Ngày 30/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết toàn bộ 33 triệu cổ phiếu GMC của CTCP Garmex Sài Gòn từ ngày 24/1/2025. Ngày giao dịch cuối cùng vào 23/1/2025.

Lý do, Garmex Sài Gòn bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 1 năm trở lên, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Sau giai đoạn sa thải 4.000 nhân sự, ông lớn dệt may 50 năm tuổi tại TP. HCM sống 'thoi thóp' chờ ngày hủy niêm yết
Toàn cảnh diễn biến cổ phiếu GMC từ khi niêm yết trên HoSE năm 2006

Garmex Sài Gòn là một trong các cánh chim đầu đàn của ngành dệt may, khi được thành lập vào năm 1976 - chỉ 1 năm sau ngày đất nước thống nhất với tên gọi ban đầu là Liên hiệp dệt may TP. HCM. Năm 2004, công ty được cổ phần hóa và niêm yết trên HoSE vào năm 2006.

Trong giai đoạn 2015 - 2022, công ty làm ăn tốt và duy trì tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt đều đặn 20 - 30% mỗi năm. Thị giá cổ phiếu đạt đỉnh cao tại vùng 29.000 đồng/cp vào năm 2019 và 2021 trước khi lao dốc về 6.500 đồng/cp tại thời điểm ngày 31/12/2024.

Vì đâu nên nỗi?

Dù có thâm niên trong nghề, công ty lại phụ thuộc vào một đối tác lớn là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) trong việc thực hiện gia công đơn hàng. Giai đoạn Covid-19, việc mất đối tác lớn là gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC khiến cả hai doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có đơn hàng. Bản thân GIL hiện tại cũng phải chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Garmex Sài Gòn còn ôm lô hàng tồn kho trị giá 133 tỷ đồng không thanh lý được và phải trích lập giảm giá. Tại thời điểm 30/9, giá trị trích lập đã lên tới 35 tỷ đồng.

Điều đáng nói, ông lớn dệt may 50 năm tuổi này không tìm được đơn hàng mới, trong bối cảnh ngành dệt may liên tục báo tin vui. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, đúng với kế hoạch đề ra. Nhiều công ty thông báo đã kín đơn hàng cho quý I/2025 và đang tìm kiếm đơn hàng cho quý II/2025.

Trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, Garmex Sài Gòn gần như không có doanh thu, kèm khoản lỗ sau thuế 52 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.

Giai đoạn trước năm 2020, Garmex Sài Gòn thường xuyên duy trì doanh thu trên 1.500 tỷ đồng và quy mô nhân sự trên 4.000 người. Tuy nhiên, số lượng nhân sự đã giảm mạnh từ khi Covid-19 xảy ra, chỉ còn 31 người tính đến ngày 30/10/2024.

Sau giai đoạn sa thải 4.000 nhân sự, ông lớn dệt may 50 năm tuổi tại TP. HCM sống 'thoi thóp' chờ ngày hủy niêm yết
Nguồn: Tổng hợp

Thanh lý tài sản và các kế hoạch "trên giấy"

Trong năm 2024, Garmex Sài Gòn liên tục rao bán các tài sản, bao gồm máy móc, ô tô, và nhà xưởng.

Tài sản đáng chú ý nhất là khu đất rộng 26.000m² tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được công ty rao bán hồi tháng 5 với giá 156 tỷ đồng. Đây cũng được xem là cứu cánh cho kỳ vọng kinh doanh năm 2024 của Garmex, khi doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu 50,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đến lô đất này.

Sau giai đoạn sa thải 4.000 nhân sự, ông lớn dệt may 50 năm tuổi tại TP. HCM sống 'thoi thóp' chờ ngày hủy niêm yết
Danh mục tài sản thanh lý của GMC

Bước sang năm 2025, công ty kỳ vọng tìm kiếm được đối tác tại châu Âu và châu Mỹ để có thể khôi phục lại ngành may. Nếu có đơn hàng, Garmex Sài Gòn dự kiến triển khai sản xuất tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025 và nếu thuận lợi, có thể khôi phục hoạt động của nhà máy này với khoảng 1.200 lao động.

>> Tổng kết năm, các doanh nghiệp dệt may đua nhau báo lãi lớn

[LIVE] Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024: VN-Index giằng co, dòng tiền thận trọng

Nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu của các công ty 'bắt tay' cùng VinFast và hãng xe điện Trung Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sau-giai-doan-sa-thai-4000-nhan-su-ong-lon-det-may-50-nam-tuoi-tai-tp-hcm-song-thoi-thop-cho-ngay-huy-niem-yet-268936.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sau giai đoạn sa thải 4.000 nhân sự, ông lớn dệt may 50 năm tuổi tại TP. HCM sống 'thoi thóp' chờ ngày hủy niêm yết
    POWERED BY ONECMS & INTECH