Xã hội

Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam

Linh Chi 21/04/2025 - 14:01

Tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên là 8.536,5km2 và dân số khoảng 2.959.000 người.

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết 60 đã được thông qua, trong đó thống nhất phương án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, sau khi thực hiện việc sáp nhập, cả nước sẽ còn lại 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong quá trình sáp nhập, tỉnh Tây Ninh và Long An sẽ được gộp lại thành một tỉnh mới mang tên tỉnh Tây Ninh. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới này sẽ được đặt tại thành phố Tân An (thuộc tỉnh Long An hiện nay). Tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên là 8.536,5km2 và dân số khoảng 2.959.000 người.

Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam - ảnh 1
Núi Bà Đen được mệnh danh là "Nóc nhà Nam Bộ", thuộc tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Internet

Tỉnh Long An được hình thành vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng, với tên gọi ban đầu là Gia Định. Trải qua nhiều biến động trong lịch sử, Long An chính thức trở thành tỉnh vào năm 1956.

Tỉnh này giữ vai trò chiến lược khi nằm ở giao điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đây cũng là địa phương hiếm hoi tham gia vào cả ba vùng kinh tế lớn: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Vị trí này mang lại cho Long An nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, logistics và du lịch. Đặc biệt, Cảng quốc tế Long An – một trong những cảng biển lớn nhất miền Nam – tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển dịch vụ logistics.

Sở hữu quỹ đất nông nghiệp dồi dào, Long An cũng lấy nông nghiệp làm nền tảng chính cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và xây dựng các khu công nghiệp tại vùng ven đô nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước.

Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam - ảnh 2
Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt. Ảnh: Báo Chính phủ

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giữa năm 2024, đến năm 2030, Long An dự kiến có 51 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 12.400ha. Tỉnh cũng có kế hoạch bổ sung thêm 37 KCN, nâng tổng diện tích lên gần 20.000ha. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập 34 KCN với tổng diện tích khoảng 9.250ha. Hiện có 20 KCN đang hoạt động. Đến năm 2030, Long An sẽ thành lập thêm 17 KCN mới, bổ sung khoảng 3.200ha.

Về tốc độ phát triển kinh tế, Long An ghi nhận mức tăng trưởng GDP năm 2024 đạt khoảng 8,3%. Với kết quả này, Long An xếp thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài với 1.377 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 12,6 tỷ USD; trong đó có 635 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện đạt hơn 4,2 tỷ USD.

Về quy mô kinh tế, Long An đạt hơn 188.000 tỷ đồng trong năm 2024, đứng thứ 13 trên toàn quốc.

Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam - ảnh 3
Một góc thành phố Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông/Báo Tây Ninh

Trong khi đó, Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia, được thành lập từ cuối thế kỷ XIX và có bề dày lịch sử đáng kể. Với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – lớn nhất trong số các cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia, Tây Ninh là cầu nối quan trọng trong giao thương và giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Ngoài ra, Tây Ninh còn giáp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh về phía Đông và Nam. Tỉnh cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km, cách thủ đô Phnom Penh (Campuchia) khoảng 200km.

Tây Ninh nổi bật với sự hiện diện của nhiều tôn giáo lớn, trong đó đạo Cao Đài có ảnh hưởng mạnh mẽ. Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt.

Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam - ảnh 4
Một góc đô thị ở Long An. Ảnh: Internet

Nền kinh tế Tây Ninh phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng cao su, cà phê và lúa gạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tích cực đẩy mạnh công nghiệp chế biến và xây dựng các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vào giữa năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt đề án phát triển các KCN giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chính của đề án là thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua việc mở rộng các KCN, từng bước tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm cho người dân. Tỉnh tập trung đầu tư có chọn lọc vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên các khu vực có hạ tầng đồng bộ nhằm thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Năm 2024, GRDP của Tây Ninh ước đạt mức tăng trưởng 8,45%, vượt kế hoạch đề ra (7%). Về giá trị GRDP theo giá hiện hành, tỉnh đạt khoảng 123.878 tỷ đồng. Trong cả nước, Tây Ninh xếp hạng 19/63 về tốc độ tăng trưởng GRDP. So với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh đứng thứ 2/8, chỉ sau Bình Phước.

Đáng chú ý, theo thống kê, khi sáp nhập với Long An, tỉnh Tây Ninh mới sẽ vươn lên vị trí thứ 10 trong danh sách các địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

>>Sau sáp nhập, đây là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất nhưng giàu có top đầu Việt Nam

Đây là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hiện tại nhưng giàu top đầu cả nước sau sáp nhập

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-sap-nhap-tinh-bien-gioi-mien-nam-co-dan-so-gan-3-trieu-nguoi-lot-top-giau-nhat-viet-nam-140876.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH