Dự án được ví như “quả đấm thép” của tập đoàn Hoà Phát dự báo có thể chạy khởi động cuối năm 2024 này.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, doanh thu hợp nhất của CTCP Tập đoàn Hòa Phát  (mã cổ phiếu HPG) đạt 31.093 tỷ đồng, tăng 4.227 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% so với quý I/2023 (26.865 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.869 tỷ đồng, tăng 2.486 tỷ đồng so với quý I/2023.
Đặc biệt, trong BCTC, Hòa Phát nhấn mạnh thép cuộn cán nóng duy trì tiêu thụ tốt. Nhóm Thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lần lượt 93% và 85% cho doanh thu lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Trong phân tích mới nhất, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá lò cao 1 (giai đoạn 1) của dự án Dung Quất 2 dự kiến sẽ hoạt động vào cuối quý IV/2024, chậm nhất là quý I/2025; lò cao 2 (giai đoạn 2) sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2025.
Khi giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ mang về doanh thu 190.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng dựa trên các giả định: (1) Dung Quất 2 giai đoạn 1 hoạt động với 85% công suất; (2) Biên lợi nhuận gộp 19,4%, tăng 4% so với cùng kỳ nhờ thị trường nội địa hồi phục; (3) Nợ vay dài hạn đến cuối năm 2025 của Tập đoàn là 34.400 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm.
>> ‘Ông lớn’ Geleximco bất ngờ ‘nhúng tay’ vào siêu cảng 50.000 tỷ đồng 
Dự án Dung Quất 2 có thể coi là "gà đẻ trứng vàng" của HPG trong thời gian tới. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, dư nợ vay tăng mạnh do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Dung Quất 2. Trong quý I/2024, Hòa Phát đã rót thêm gần 4.250 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân tại dự án này đến cuối quý I lên 26.800 tỷ đồng.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 của Hòa Phát được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021 tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án có tổng vốn khoảng 85.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD), được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng.
Dự án này có quy mô 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao mỗi năm, từ đó nâng tổng công suất sản xuất thép HRC của Hòa Phát lên 8,6 triệu tấn/năm. Nhà sản xuất dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát từng ví dự án Dung Quất 2  như “quả đấm thép” của tập đoàn này. “Dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả”.
Cập nhật tiến độ dự án, Hòa Phát cho biết tính đến thời điểm tháng 4/2024, dự án Dung Quất 2 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép , nhà máy cán thép HRC đã thành hình, hoàn thành khoảng 50-70% về kết cấu.
Để chuẩn bị cho phần công suất tăng thêm của dự án Dung Quất 2, nhà sản xuất này dự kiến sẽ mở rộng thị trường sang Trung Đông, châu Phi và Mỹ, bên cạnh các thị trường hiện tại như EU, Mexico và Đông Nam Á.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đang nghiên cứu tôn silic/thép điện - nguyên liệu chính để sản xuất mô-tơ điện (dùng trong ngành xe điện) và máy biến áp. Ngoài ra, giai đoạn 2 ở dự án Dung Quất 2 sẽ làm đường ray cho tàu tốc độ cao. Đồng thời, Hòa Phát bày tỏ mong muốn tham gia đấu thầu các hạng mục trong dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nếu được.
>> Một sân bay Pháp xây dựng được 'lên đời' thành sân bay quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên