Vĩ mô

Sinh viên Sư phạm tốt nghiệp nhiều nhưng ít ứng tuyển giáo viên

Thanh Hùng 27/03/2024 - 11:50

Số sinh viên được đào tạo trình độ đại học một số chuyên ngành Sư phạm dù tương đối lớn song sau khi tốt nghiệp ít dự tuyển ngành giáo dục để trở thành giáo viên.

Theo Bộ GD-ĐT, đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.1081 (tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018-2019).

Tuy nhiên, số lượng giáo viên vẫn chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên) và các môn học mang tính đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân. Tiếng Anh và Tin học ở chương trình phổ thông trước đây là môn tự chọn, nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3. Ngoài ra, chương trình phổ thông mới bổ sung mới các môn nghệ thuật cấp THPT.

Thực tế là đa số các trường THPT chưa có giáo viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) để học sinh lựa chọn môn học theo quy định trong Chương trình phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023. Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THCS có trình độ đại học trở lên vẫn chưa đủ để bố trí giảng dạy tại các cơ sở.

Trong khi đó, công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật (với thời gian đào tạo trình độ đại học là 4 năm) chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.

Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; còn ở cấp THCS: môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.

Bộ GD-ĐT cho hay, trong thời gian qua đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023-2024 giao bổ sung 27.860 biên chế.

Sau khi được giao bổ sung 27.850 biên chế, các địa phương đã tiến hành triển khai tổ chức tuyển dụng. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến hết học kì 1 năm học 2022-2023, các địa phương đã tuyển dụng được 15.450/27.850 biên chế giáo viên, đạt tỷ lệ 55,5%.

Thiếu nguồn tuyển giáo viên

Theo Bộ GD-ĐT, một trong những nguyên nhân các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao bổ sung là thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là môn Công nghệ, Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên và các môn học có tính đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Bên cạnh đó, số trẻ, số học sinh ngày càng tăng do phát triển quy mô dân số, thực hiện phổ cập giáo dục ở một số cấp học. Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, một số môn học được giảng dạy tích hợp là môn Lịch sử - Địa lý (tích hợp từ hai phân môn Lịch sử và Địa lý); môn Khoa học tự nhiên (tích hợp từ hai phân môn Vật Lý, Hóa học và Sinh học). Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang tiến hành đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp để bảo đảm số lượng giáo viên dạy các môn học này trong thời gian tới.

Việc đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng 2 môn (như Toán - Lý, Hóa - Sinh, Văn - Sử...) được các địa phương tổ chức đào tạo trong giai đoạn trước theo yêu cầu của từng địa phương và đã được tuyển dụng để giảng dạy thời điểm trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Trong khi số sinh viên nhập học và tốt nghiệp trình độ đại học để dạy môn Lịch sử-Địa lý, Khoa học tự nhiên đang rất hạn chế.

Đối với môn Công nghệ, hiện nay, giáo viên được phân công giảng dạy môn này được đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật công nghiệp hoặc Kỹ thuật nông nghiệp hoặc chuyên ngành phù hợp. Thời gian qua, việc đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Kỹ thuật công nghiệp hoặc Kỹ thuật nông nghiệp được triển khai, tuy nhiên, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp 2 ngành này không có nhu cầu làm giáo viên.

Đối với chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong các năm 2018-2019 (trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực), nhu cầu của các địa phương đối với sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng các chuyên ngành này là 18.581 người, các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh 1.025 người; tổng số sinh viên nhập học hệ đại học sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) từ năm 2018 đến năm 2023 là 23.484.

Như vậy, số lượng sinh viên được đào tạo trình độ đại học tương đối lớn, tuy nhiên các sinh viên này sau khi tốt nghiệp ít tham gia dự tuyển vào ngành giáo dục để trở thành giáo viên.

306826556 10158488989141577 6960052510587640755 n 1.jpg
Ảnh minh họa.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khó tuyển dụng đối với giáo viên dạy các môn học này.

Cụ thể, đối với môn Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ (Kỹ thuật Công nghiệp, Kỹ thuật Nông nghiệp): Những sinh viên có trình độ đại học các môn này có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Do đó, mặc dù số sinh viên có trình độ đại học tương đối lớn nhưng các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng.

Đối với môn Nghệ thuật, việc đào tạo sinh viên có trình độ đại học ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật có khó khăn do đây là các môn học đòi hỏi người học phải có năng khiếu nhất định, số lượng các khoa đào tạo các môn nghệ thuật ở các trường đại học không nhiều nên số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm không đủ đáp ứng nhu cầu giáo viên triển khai các môn học này (có khoảng 6.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nghệ thuật trong giai đoạn 2021-2025).

Đối với các môn học liên môn (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên), việc đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng 2 môn (như Toán - Lý, Hóa - Sinh, Văn - Sử...) được các địa phương tổ chức đào tạo trong giai đoạn trước theo yêu cầu của từng địa phương và đã được tuyển dụng để giảng dạy thời điểm trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Số sinh viên nhập học và tốt nghiệp trình độ đại học để dạy môn Lịch sử-Địa lý, Khoa học tự nhiên đang rất hạn chế, không đủ nguồn cung trong giai đoạn hiện nay.

Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đang xây dự thảo tờ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép những địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình phổ thông 2018 (Lịch sử-Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật).

Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Theo dự tính của Bộ GD-ĐT, số lượng người có trình độ cao đẳng chuyên ngành để dạy các môn học trên có khoảng 10.000 người.

>> Hà Nội thiếu 11.000 giáo viên: 'Giai đoạn thực sự khó khăn cho ngành giáo dục'

Trường học quốc tế 'hot nhất' hiện nay: Rộng tới 6,5ha, cơ sở vật chất hoành tráng nhưng nợ lương giáo viên

Áp dụng chế độ tiền lương mới từ 1/7: Thu nhập của Giáo viên sẽ như thế nào?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ly-do-thieu-hang-nghin-giao-vien-day-chuong-trinh-moi-2263750.html
Bài liên quan
  • Giáo viên chuyển cấp dạy học, xếp lương thế nào?
    Bà Nguyễn Thu Hiền (Bạc Liêu) là giáo viên THPT (mã số V07.05.15) từ năm 2012 đến năm 2019, thời gian đóng BHXH bắt buộc và chưa hưởng trợ cấp 1 lần là 6 năm 2 tháng. Tháng 10/2019, bà được xếp lương bậc 3, hệ số 3,0 (bà có bằng thạc sĩ đúng chuyên môn năm 2013).
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sinh viên Sư phạm tốt nghiệp nhiều nhưng ít ứng tuyển giáo viên
    POWERED BY ONECMS & INTECH