Thế giới

Sở hữu 'kho báu trắng' nhiều nhất thế giới, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng xe điện sánh ngang Trung Quốc

Chung Khanh 16/01/2025 - 14:15

Indonesia đang đặt cược vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp xe điện thông qua việc chế biến niken trong nước. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ phải đối diện với vô vàn thách thức lớn.

Tommy Suharto, con trai út của cựu Tổng thống Indonesia, từng khởi động dự án sản xuất Timor - một mẫu ô tô quốc gia. Kế hoạch ban đầu là nhập khẩu các mẫu xe do hãng Kia Motors của Hàn Quốc sản xuất, sau đó chuyển đổi thương hiệu và bán lại.

Theo đó, Kia sẽ hỗ trợ hướng dẫn người Indonesia cách chế tạo ô tô. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 tàn phá nền kinh tế Indonesia, khoảng 15.000 chiếc Timor bị bỏ không trong bãi đậu xe.

Dần dần, nhiều người dân tại đây đã không còn hứng thú với dòng xe này. Trước sức ép từ các đối tác thương mại quốc tế, dự án Timor bị dừng lại.

Mặc dù vậy, tinh thần tự cường kinh tế mà Timor đại diện chưa bao giờ hoàn toàn biến mất. Ngày nay, tinh thần đó được thể hiện qua chương trình “downstreaming” (hoạt động hạ nguồn) của Indonesia, tập trung vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Chính sách này hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Prabowo Subianto, tân Tổng thống Indonesia.

Và một loại khoáng sản đóng vai trò then chốt trong kế hoạch này là niken - nguyên liệu quan trọng cho pin xe điện (EV). Niken là một kim loại màu trắng bạc, có ánh kim loại sáng. Khi mới được khai thác hoặc chế biến, niken có vẻ ngoài sáng bóng và có thể bị oxi hóa theo thời gian để có màu hơi xám

Indonesia, với trữ lượng niken lớn nhất thế giới, đang tham vọng không chỉ khai thác tài nguyên khoáng sản mà còn phát triển chuỗi cung ứng ô tô điện ngay trên đất nước mình. Từ năm 2020, Indonesia đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu quặng niken chưa chế biến - một động thái khiến các công ty cần kim loại này đầu tư vào Indonesia.

Sở hữu 'kho báu trắng' nhiều nhất thế giới, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng xe điện sánh ngang Trung Quốc - ảnh 1
Từ năm 2020, Indonesia đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu quặng niken chưa chế biến

Chiến lược Downstreaming

Lệnh cấm xuất khẩu quặng niken giúp Indonesia vươn lên thống trị ngành khai thác và luyện niken toàn cầu.

Hiện tại, Indonesia chiếm gần 50% sản lượng niken tinh chế và 2/3 sản lượng niken khai thác trên thế giới. Cả hai con số này đã tăng gấp đôi từ năm 2020. Năm 2023, giá trị xuất khẩu niken đã qua chế biến của Indonesia đạt 22 tỷ USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh từ mức 2% vào năm 2019.

Theo đó, Indonesia đang quyết tâm xây dựng một chuỗi cung ứng xe điện hoàn chỉnh từ đầu đến cuối, một mục tiêu mà chỉ Trung Quốc đã thực hiện thành công.

Dù vậy, các chính trị gia Indonesia vẫn giữ vững sự lạc quan. Luhut Pandjaitan, người đứng sau chiến lược downstreaming, tự tin rằng Indonesia có thể lọt vào top ba quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới về cả pin và xe điện vào năm 2027.

Những dự đoán như vậy không phải là cường điệu. Indonesia sở hữu gần như toàn bộ nguồn tài nguyên thô cần thiết để sản xuất xe điện, từ đồng đến cobalt.

Hơn nữa, ít ai ngờ rằng, Indonesia có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường niken, nhờ vào công nghệ luyện kim tiên tiến và nguồn vốn đầu tư từ các công ty khai khoáng Trung Quốc. Tại một Hội nghị ở Jakarta vào ngày 26 tháng 11 năm ngoái, ông Luhut phát biểu trước các nhà đầu tư: "Đối với chúng tôi, đây là vấn đề sống còn".

Thách thức

Tuy nhiên, mặc dù việc chế biến niken mang lại lợi ích kinh tế, chiến lược "downstreaming" không hề dễ dàng và đang đối mặt với những thách thức đáng kể.

Indonesia chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng cho ngành xe điện và số lượng xe điện bán ra trong nước vẫn rất thấp so với mục tiêu quốc gia.

Chỉ có 12.000 xe điện được bán ra vào năm ngoái, trong khi tổng doanh số bán ô tô đạt 1 triệu chiếc. Hơn nữa, phần lớn xe điện được bán ra tại Indonesia sử dụng loại pin không có niken. Nếu so sánh, pin sử dụng niken có ưu điểm về phạm vi hoạt động dài hơn nhưng chi phí cao hơn và có thể không bền bằng pin lithium-iron-phosphate (LFP) trong một số trường hợp.

Sở hữu 'kho báu trắng' nhiều nhất thế giới, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng xe điện sánh ngang Trung Quốc - ảnh 2
Dù đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong ngành luyện kim niken, tác động tổng thể đối với nền kinh tế Indonesia không phải là như mong đợi

Mặc dù có các chính sách ưu đãi thuế, giá của xe điện cũng vẫn cao hơn nhiều so với các xe ô tô chạy bằng xăng.

Chưa hết, thị trường pin xe điện toàn cầu hiện nay đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Theo ước tính, chỉ riêng lượng pin được sản xuất tại Trung Quốc vào năm ngoái đã đủ đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Thái Lan…cũng đang cạnh tranh gay gắt để thu hút đầu tư.

Và dù đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong ngành luyện kim niken, tác động tổng thể đối với nền kinh tế Indonesia không phải là như mong đợi.

Cụ thể, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tạo ra nhiều công việc tạm thời trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, nhưng những công việc này chỉ tồn tại khi các khu công nghiệp mở rộng. Một nhà máy luyện kim điển hình, khi mới bắt đầu, có thể cần đến 30.000 công nhân, nhưng chỉ tạo ra vài nghìn công việc dài hạn.

Hơn nữa, mặc dù những khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là trong ngành khai thác và chế biến niken, nhưng điều này không dẫn đến sự cải thiện tương xứng về các chỉ số kinh tế khác, như tỷ lệ thất nghiệp và mức sống của người dân.

Tại Konawe, nơi có một khu công nghiệp do Tsingshan, một công ty thép và niken của Trung Quốc sở hữu, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn so với trước khi lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực. Chuyên gia Hilman Palaon và Robert Walker từ Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu của Úc, đã phát hiện ra điều này.

Hơn nữa, việc khai thác niken cũng gây ra các vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng và nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Có thể thấy, Indonesia đang đặt cược vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp xe điện thông qua việc chế biến niken trong nước. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ phải đối diện với vô vàn thách thức lớn.

Tham khảo The Economist

>> Suy thoái 2 năm liên tiếp, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bị Nga và Trung Quốc đẩy vào hố sâu khủng hoảng như thế nào?

1 tỷ USD là không đủ: Indonesia vẫn cấm bán iPhone 16, thậm chí dọa phạt Apple

Hàng triệu người Indonesia đang rơi vào bẫy nợ trực tuyến

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/so-huu-kho-bau-trang-nhieu-nhat-the-gioi-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-tham-vong-xay-dung-chuoi-cung-ung-xe-dien-sanh-ngang-trung-quoc-134890.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sở hữu 'kho báu trắng' nhiều nhất thế giới, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng xe điện sánh ngang Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH