Chọn nhà thầu Trung Quốc cho dự án nâng cấp đường sắt thành đường sắt cao tốc dài 350km, vốn đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng
Dự án không chỉ là biểu tượng của hợp tác liên khu vực mà còn là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Tuyến đường sắt xuyên biên giới giữa Hungary và Serbia (Budapest–Belgrade) đã được hiện đại hóa toàn diện nhằm tăng cường kết nối giao thông khu vực và thúc đẩy thương mại quốc tế.
Dự án nâng cấp sẽ đưa tuyến đường sắt Budapest–Belgrade cũ trở thành tuyến đường sắt cao tốc tiêu chuẩn châu Âu , với kết cấu hai đường ray, điện khí hóa toàn tuyến, chiều dài 350km, cho phép tàu chạy ở tốc độ cao và nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ hành khách.

Khi hoàn thành, thời gian di chuyển giữa hai thủ đô sẽ giảm từ 8 tiếng xuống chỉ còn 2 tiếng 40 phút. Tuyến đường mới cũng mở ra hành lang vận chuyển nhanh chóng hàng hóa Trung Quốc từ cảng Hy Lạp tới Tây Âu, đồng thời giúp Hungary nổi lên như một trung tâm hậu cần chiến lược của khu vực.
Vào tháng 4/2024, các đoạn ray nối thành phố Novi Sad và Subotica của Serbia đã được ghép nối thành công tại thị trấn Backa Topola. Toàn bộ dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2025 - sớm hơn tiến độ ban đầu là năm 2026.
Được biết, tuyến đường sắt dài 350km, trong đó 166km nằm trên lãnh thổ Hungary và 184km thuộc Serbia. Tuyến đường sắt được thiết kế để phục vụ cả tàu chở khách và tàu hàng, với tốc độ thiết kế đạt 200km/h; trong khi đó, tốc độ vận hành thực tế của tàu dự kiến tối đa là 160km/h.
Các đoạn tại Serbia gồm: Belgrade – Stara Pazova: 34,5km; Stara Pazova – Novi Sad: 40,4km; Novi Sad – Subotica – biên giới: 107,4km. Đặc biệt, đoạn Belgrade – Stara Pazova đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2021, sau khi được cải tạo với hệ thống tín hiệu, viễn thông hiện đại, cầu vượt, hầm chui, và nâng cấp lên chuẩn kiểm soát tàu điện châu Âu ETCS Level 2.
Serbia đã đặt mua 5 đoàn tàu cao tốc từ Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC). Đoàn tàu đầu tiên được giới thiệu vào tháng 6/2024 với 250 chỗ ngồi, vận tốc tối đa 200km/h. Tàu được trang bị hệ thống chẩn đoán thông minh, không gian để xe đạp và hành lý lớn.
Các nhà thầu chính của dự án Budapest–Belgrade hầu hết đều đến từ Trung Quốc. Tại Serbia, đoạn Belgrade – Stara Pazova và Novi Sad – Subotica được thi công bởi liên danh China Railway International (CRI) và China Communications Construction Company (CCCC). Đây là hai tập đoàn nhà nước lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng của Trung Quốc.

Tại Hungary, đoạn từ Budapest đến biên giới Serbia được thực hiện bởi liên danh CRE Consortium, gồm các công ty Trung Quốc và Hungary, trong đó phía Trung Quốc có China Railway Electrification Engineering Group và China Tiejiuju Engineering & Construction.
Ngoài ra, phần lớn vốn đầu tư cũng đến từ các khoản vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, khẳng định vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong cả tài chính, thiết kế và thi công dự án.
Theo Connecting region, dự án có chi phí vào khoảng 2,8 tỷ USD, tương đương hơn 72.000 tỷ đồng. Dự án không chỉ là biểu tượng của hợp tác liên khu vực mà còn là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Tham khảo Railway Technology, Connecting region