Tài chính quốc tế

Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ

Vũ Bấc 21/04/2025 16:11

Với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, Ấn Độ đang đứng trước cơ hội lịch sử để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới – nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, quốc gia này còn phải vượt qua nhiều rào cản nội tại.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên với Trung Quốc vào năm 2018, công ty khởi nghiệp Zetwerk của Ấn Độ bắt đầu kết nối khách hàng quốc tế với các nhà cung cấp trong nước chuyên về kim loại tấm và linh kiện chính xác.

Hiện nay, Zetwerk đã xây dựng được mạng lưới hơn 10.000 nhà cung cấp cùng 7 nhà máy điện tử thuộc sở hữu riêng. Cơ sở mới nhất, chuyên sản xuất linh kiện cho máy giặt và thiết bị gia dụng, vừa đi vào hoạt động hồi tháng 3.

Ông Josh Foulger, Giám đốc bộ phận điện tử của Zetwerk, cho rằng Ấn Độ đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, và làn sóng căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra bước ngoặt lớn.

“Đây có phải là thời khắc của Ấn Độ không? Tôi nghĩ là đúng", ông Foulger nhận định.

Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ - ảnh 1
Một cơ sở của Zetwerk ở Uttar Pradesh, Ấn Độ

Trong bối cảnh các nhà xuất khẩu Trung Quốc đối mặt với mức thuế cao và bị người tiêu dùng Mỹ hạn chế hợp tác, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng tìm kiếm điểm đến sản xuất mới. Đây được xem là cơ hội vàng để Ấn Độ thu hút dòng vốn và đơn hàng từ Mỹ.

Tuy nhiên, hiện thực không hoàn toàn thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ vẫn tụt lại phía sau không chỉ Trung Quốc mà cả những nền kinh tế nhỏ hơn có chính sách linh hoạt. Nền sản xuất trong nước còn bị hạn chế khi lực lượng lao động vẫn chủ yếu làm việc trong ngành nông nghiệp.

Dù tiềm năng lớn, nhiều tập đoàn công nghệ cao và nhà bán lẻ toàn cầu nhận định Ấn Độ là môi trường kinh doanh phức tạp hơn so với Trung Quốc hoặc Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống thuế phức tạp và chính sách kiểm soát lao động còn thiếu ổn định.

Việt Nam — quốc gia với 100 triệu dân — hiện xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Ấn Độ hơn 50 tỷ USD, dù dân số của Ấn Độ lên tới 1,4 tỷ người. Khoảng cách này phản ánh những thách thức mà Ấn Độ cần vượt qua để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ - ảnh 2
Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ và Việt Nam sang Mỹ từ 2015-2024

Tuy nhiên, giới chức tại New Delhi đang cho thấy dấu hiệu thay đổi. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng mở cửa hơn với các doanh nghiệp phương Tây và đang xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại nhanh chóng với Mỹ.

Mục tiêu của Ấn Độ là trở thành trung tâm sản xuất toàn diện, không chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp mà còn tiến tới tự chủ trong thiết kế, sản xuất linh kiện và phát triển công nghệ.

“Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị tại Ấn Độ,” bà Ekroop Caur, Thư ký Bộ phận Điện tử và Công nghệ thông tin bang Karnataka, chia sẻ.

Về mặt chính sách thuế, phần lớn hàng hóa Ấn Độ hiện chỉ chịu mức thuế 10%. Một số mặt hàng điện tử, như iPhone, thậm chí được miễn thuế. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế tới 145%, riêng các thiết bị điện tử bị áp mức 20%.

Hưởng lợi từ xu hướng này, Apple đang tăng cường xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ. Theo ước tính của các công ty nghiên cứu thị trường, quốc gia Nam Á này hiện đã chiếm khoảng 20% sản lượng iPhone toàn cầu.

Theo bà Tanvi Madan, chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Brookings, thời điểm hiện tại là cơ hội chiến lược để Ấn Độ mở cửa mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi quốc gia này không phải đối mặt với cuộc bầu cử toàn quốc nào trong năm tới, ngoại trừ một vài cuộc bầu cử cấp bang.

“Khoảnh khắc này có thể mang ý nghĩa lịch sử, tương tự như giai đoạn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khi Liên Xô – đối tác thương mại chủ chốt của Ấn Độ – sụp đổ, quốc gia này buộc phải cải cách kinh tế sâu rộng, cắt giảm quy định và mở cửa với thế giới", bà Madan nhận định. “Ấn Độ nên nghĩ nhiều hơn về việc thế giới có thể mang lại điều gì cho mình, thay vì chỉ lo sợ điều ngược lại".

Tuy nhiên, liệu Ấn Độ có đủ điều kiện để thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành điểm đến chính cho các doanh nghiệp Mỹ?

Ngoại trưởng Ấn Độ, ông S. Jaishankar, gần đây thừa nhận rằng những biến động của thương mại toàn cầu đã buộc Ấn Độ phải nhìn lại cách tiếp cận kinh tế mở của mình. Ông cho rằng cần phải điều chỉnh những "lệch lạc" nhất định trong chính sách hiện tại để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại về sự thiếu ổn định trong môi trường pháp lý và chính sách thuế tại Ấn Độ. Các quy định có thể thay đổi đột ngột, cách diễn giải luật thường không rõ ràng, khiến các công ty đối mặt với nguy cơ bị phạt hoặc kéo vào các tranh chấp pháp lý kéo dài.

Một ví dụ điển hình là vụ tranh chấp giữa Ấn Độ và hãng xe Đức Volkswagen. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu công ty này nộp khoản thuế truy thu lên tới 1,4 tỷ USD, cùng khoản tiền phạt tương đương, với cáo buộc phân loại sai hàng nhập khẩu để tránh thuế. Volkswagen phủ nhận hành vi sai phạm và đã đưa vụ việc ra tòa án.

Một giám đốc điều hành người Mỹ từng nhiều năm làm việc tại Ấn Độ chia sẻ: “Bạn nhìn vào Trung Quốc 30 năm trước, hay Việt Nam hiện nay, có thể thấy rõ nỗ lực hàng ngày của chính quyền địa phương trong việc đặt ra câu hỏi: 'Làm thế nào để các công ty dễ dàng đến và đầu tư hơn?' Ấn Độ vẫn cần nhiều cải cách để đạt đến mức đó".

Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ - ảnh 3
Một nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ do đối tác sản xuất của Apple là Foxconn điều hành

Dù còn nhiều thách thức, ngành sản xuất điện thoại thông minh là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của Ấn Độ khi có quyết tâm và chính sách hỗ trợ phù hợp. Cách đây một thập kỷ, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của quốc gia này chỉ ở mức 250 triệu USD mỗi năm. Hiện nay, con số đã vượt mốc 22 tỷ USD, với Apple chiếm khoảng 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Foxconn, nhà cung cấp lớn của Apple có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang mở rộng hiện diện tại Ấn Độ. Một nhà máy mới tại bang Karnataka dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, với mục tiêu sản xuất 20 triệu chiếc điện thoại mỗi năm — ngang tầm với năng lực sản xuất của nhà máy chính tại Tamil Nadu, bang lân cận.

Bên cạnh Foxconn, nhiều nhà cung ứng khác cũng đang xây dựng chuỗi sản xuất vệ tinh quanh các trung tâm lắp ráp. Tập đoàn Corning (Mỹ), chuyên sản xuất kính chống trầy xước cho điện thoại Apple, cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất tại Tamil Nadu trong năm nay, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Các doanh nghiệp trong ngành cho biết sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất điện thoại một phần nhờ vào chính sách trợ cấp của chính phủ, đặc biệt là chương trình khuyến khích sản xuất (PLI). Chính phủ Ấn Độ gần đây cũng tuyên bố sẽ mở rộng trợ cấp cho các linh kiện điện thoại – lĩnh vực vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu – và đã nâng cấp nhà ga hàng hóa tại sân bay Tamil Nadu để giảm tình trạng tắc nghẽn trong vận chuyển.

Tuy nhiên, theo ông Josh Foulger – cựu Giám đốc Foxconn tại Ấn Độ, hiện là lãnh đạo tại Zetwerk – yếu tố then chốt mà Ấn Độ vẫn cần cải thiện là tính nhất quán trong chuỗi cung ứng. Ông cho rằng để cạnh tranh thực sự trên quy mô toàn cầu, các nhà cung cấp, công nhân và chính quyền địa phương phải vận hành như “một dàn nhạc 128 thành viên hoạt động đồng bộ”.

“Bạn không thể để lý do như ngày lễ liên tiếp hay tắc đường ở Bangalore làm trì hoãn toàn bộ dây chuyền", Foulger nhấn mạnh. “Đây sẽ là một hành trình dài, nhưng với tiềm lực sẵn có, tôi tin rằng Ấn Độ sẽ vươn lên”.

Tham khảo Wall Street Journal (WSJ)

>> Quốc gia châu Á nổi lên là ‘thiên đường trú ẩn mới’ giữa cơn bão thuế quan, hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu

Lo Đông Nam Á trở thành ‘điểm tập kết’ hàng giá rẻ Trung Quốc

Foxconn rót 2,5 tỷ USD xây nhà máy tại một quốc gia châu Á, giá bất động sản tăng vọt 35%

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-cuong-chau-a-dung-truoc-co-hoi-vang-de-thay-the-trung-quoc-tren-chuoi-cung-ung-cua-doanh-nghiep-my-140858.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH