Tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ: ngăn ngừa tai nạn, ùn tắc giao thông
Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ. Trong đó, đã đề xuất tăng nặng mức phạt đối với người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất này.
Vi phạm phổ biến
Vượt đèn đỏ  là hành vi nguy hiểm dễ dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông, nhưng lại diễn ra khá phổ biến với cả người đi ô tô và xe máy.
Thời gian qua, cả nước xuất hiện nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan tới việc người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vượt đèn đỏ qua các ngã ba, ngã tư, nút giao...
Rạng sáng ngày 4/7, tại khu vực đèn đỏ ở nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, Hà Nội một xe khách 24 chỗ phóng nhanh vượt đèn đỏ đã đâm vào xe tải nhỏ đang di chuyển đúng luật khiến phương tiện này bị lật nghiêng, hai nạn nhân trên xe tải bị thương. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe khách đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Công an sau đó đã tiếp nhận vụ việc, tiến hành điều tra, xử lý.
Trước đó, chiều ngày 4/6, anh N.V.T. (sinh năm 1995, quê Lâm Đồng) điều khiển xe đầu kéo biển số TP Hồ Chí Minh kéo theo sơmi rơ moóc lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ đường Võ Thị Thừa về đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh).
Đến giao lộ, anh T. cho phương tiện vượt đèn vàng dẫn đến va chạm với xe máy biển số TP Hồ Chí Minh do bà B.T.Y. (sinh năm 1964, ngụ quận Bình Tân) cầm lái. Sau tai nạn, bà Y. được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng.
Rạng sáng 15/3, anh Đ.T.V. (sinh năm 2003, quê Đồng Nai) điều khiển xe máy chở theo chị N.L.C. (sinh năm 2005, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng sinh viên) lưu thông trên đường Đinh Tiên Hoàng. Khi đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh), anh V. vượt đèn đỏ, đâm vào đầu xe khách 47 chỗ, biển số TP Hồ Chí Minh do ông H.C. (sinh năm 1973, quê Lâm Đồng) điều khiển.
Sau va chạm, xe máy ngã văng vào lề, đụng vào nhà dân ven đường, anh V. và chị C. tử vong tại hiện trường.
Nhận định vi phạm vượt đèn đỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông cần phải nghiêm khắc chấn chỉnh, mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe mới. Trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng tiền phạt với lỗi vượt đèn đỏ so với mức phạt hiện hành.
Cụ thể, đối với ô tô, từ 1/1/2025, người điều khiển ô tô; xe chở người, chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe như ô tô sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Đồng thời, với lỗi vi phạm này, người vi phạm sẽ bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.
Hiện tại, mức phạt này chỉ từ 4 - 6 triệu đồng và bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng theo Điều 5 Nghị định 100/2019 của Chính phủ.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, từ 1/1/2025, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự thì sẽ bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Hiện tại, mức phạt dành cho xe máy không tuân thủ đèn tín hiệu là từ 800.000 – 1.000.000 đồng, kèm tước bằng lái từ 1 - 3 tháng.
Nhiều người ủng hộ
Khi được hỏi ý kiến về mức phạt mới với hành vi vượt đèn đỏ, anh Lê Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ủng hộ mức phạt này vì có thể khiến người tham gia giao thông cân nhắc nặng nhẹ, vừa để đảm bảo an toàn khi đi đường vừa để tránh ảnh hưởng túi tiền do bị phạt.
Chị Lương Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, mức phạt cao sẽ khiến nhiều người e dè hơn và không cố tình vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, song song với việc tuần tra, xử phạt của lực lượng chức năng, cần đẩy nhanh việc định danh xe máy và tăng cường thêm camera để xử phạt hành vi vi phạm này trên các tuyến đường.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, vượt đèn đỏ là vi phạm luật giao thông và là nguy cơ lớn gây tai nạn. Nhưng trên thực tế, vẫn có rất nhiều lái xe vượt đèn đỏ, thậm chí, coi đó như một thói quen. Cần phải có chiến dịch mạnh mẽ và kết hợp nhiều biện pháp để thay đổi từ nhận thức đến hành động cho người tham gia giao thông.
Nhắc đến vụ việc ngày 5/11, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh tài xế xe buýt biển số 51B - 290.28, tuyến 69 (công viên 23-9 - Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cố tình vượt đèn đỏ, phóng nhanh qua giao lộ đông đúc khi tín hiệu màu đỏ còn hơn 20 giây. Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã trích xuất camera, mời tài xế N.T.B. lên làm việc và xử phạt 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Sau đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cũng ra quyết định sa thải tài xế xe buýt N.T.B. Thời gian không ký hợp đồng là 2 năm.
Theo vị chuyên gia này, bên cạnh việc tăng nặng xử phạt thì việc CSGT gửi giấy nhắc nhở đến đơn vị công tác của người vi phạm cũng là hình thức để tăng tính răn đe, nhắc nhở.
Bên cạnh đó, dẫn chứng về công tác tuyên truyền, xử phạt người tham gia giao thông về việc phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn và việc xử lý nồng độ cồn “quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã dần chứng minh hiệu quả trong những năm qua, vị chuyên gia này cho rằng, với lỗi vượt đèn đỏ, bên cạnh việc tăng mức phạt tiền, rất cần phải tập trung vào giáo dục, tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông. Từ đó, tác động sâu rộng, mạnh mẽ và hình thành ý thức cho người tham gia giao thông, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguyên nhân dẫn đến tai nạn, ùn tắc từ việc cố tình vượt đèn đỏ.
>> Người đi xe máy vượt đèn đỏ có thể bị phạt tới 6 triệu đồng