Các chuyên gia kinh tế cho hay, nếu việc nhập khẩu tăng cung vàng thì giá vàng sẽ rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới cũng như không ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trao đối với báo chí mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, nếu NHNN xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, các loại vàng miếng thương hiệu khác được cung ra thị trường khiến nguồn cung dồi dào, mức chênh với giá thế giới có thể về 1-2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua bán được kéo về mức 500.000-1 triệu đồng/lượng (thay vì 3 triệu đồng/lượng như hiện tại). Khi đó, giá vàng miếng SJC sẽ chỉ khoảng 64-65 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng trong dân lớn không chỉ với vàng miếng SJC mà với cả vàng trang sức. NHNN nên bỏ kinh doanh có điều kiện với vàng trang sức, khi đó sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia thị trường một cách dễ dàng. Theo đó, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn với vàng.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, từ năm 2014 đến nay NHNN không sản xuất thêm vàng miếng SJC để cung cấp ra thị trường. Trong khi đó người dân có tâm lý tích trữ vàng khiến mặt hàng này càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới.
Hơn nữa, do khan hiếm vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp đã dùng vàng SJC làm vàng trang sức đáp ứng nhu cầu của người dân nên sự chênh lệch ngày càng tăng. Như hồi trước năm 2020, vàng SJC giá tương đương với vàng trang sức và vàng thế giới, có thời điểm còn thấp hơn. Nhưng do khan hiếm đã đẩy giá vàng SJC với vàng thế giới và vàng trang sức ngày càng xa.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, NHNN nên xem xét phương án nhập khẩu và tái khởi động sản xuất vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường, giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng thương hiệu SJC với vàng thế giới. Có ý kiến cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế vấn đề này không thật sự đáng quan ngại.
Bởi theo dữ liệu của Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA), từ năm 1991-2012, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng (trung bình mỗi năm khoảng 45 - 50 tấn). Nếu tiếp tục nhập khẩu với số lượng như vậy thì mỗi năm Việt Nam sẽ chi ra khoảng 3 tỷ USD, chỉ chiếm 3% dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023.
Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi giá vàng thế giới trong 28 năm qua (từ năm 1995 tới năm 2023) chỉ tăng khoảng 5,4 lần, từ 387 USD/ounce vào năm 1995 lên 2.078,4 USD/ounce năm 2023 thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 75,5 lần, từ 1,32 tỷ USD (năm 1995) lên 100 tỷ USD (năm 2023). Như vậy, nếu nhập khẩu vàng có kiểm soát thì không ảnh hưởng quá nhiều đều dự trữ ngoại hối quốc gia.
>> Cách đơn giản để giá vàng SJC liên thông thế giới, cho dù vẫn độc quyền 
Giá vàng hôm nay (11/1) tăng thêm 700.000 đồng/lượng 
Giá vàng SJC lao dốc từ đỉnh cao: Chờ về 65 triệu đồng hay đánh cược mua vào?