Tăng tốc bù tiến độ, nỗ lực thông cao tốc qua Hà Tĩnh, Quảng Bình vào 30/4/2025
Ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp tục kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc qua địa phận tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Hai dự án Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh chỉ còn một số điểm nghẽn mặt bằng, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Bình hỗ trợ giải phóng sớm để các đơn vị thi công - Ảnh: Báo GT
Không để cả tuyến phải chờ 2km thiếu cát
Tại nút giao Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư 2 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh) thông tin, cao tốc Vũng Áng - Bùng và cao tốc Bùng - Vạn Ninh đều đang đạt và vượt tiến độ đề ra, sản lượng giá trị xây lắp ở dự án Vũng Áng - Bùng là 59%, Bùng - Vạn Ninh đạt 52%.
Về mặt bằng, cả hai dự án đều được bàn giao cơ bản, hiện chỉ còn vướng một số hộ dân chờ xây nhà tái định cư.
"Theo tính toán, cả hai dự án có thể đưa vào khai thác đồng thời vào dịp 30/4/2025. Tuy nhiên, có 1 vị trí trên tuyến khoảng 2km đoạn Vũng Áng - Bùng do nhà thầu Phương Thành thi công cần phải chờ gia tải nên xin lùi đến ngày 30/6/2025", ông Hải báo cáo.
Đại diện nhà thầu Phương Thành cho biết, đơn vị đã được địa phương cấp mỏ cát để phục vụ đắp nền đoạn chờ gia tải. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, người dân địa phương nơi có mỏ cát không đồng thuận, tìm cách cản trở việc khai thác.
Đại diện tư vấn giám sát gói thầu cho biết, ở đoạn 2km nền đất yếu do còn thiếu khoảng 100.000m3 cát để thi công giếng cát và đắp nền. Vì thế, nếu không có cát khả năng đoạn này khó xong trước 30/4/2025.
Để hoàn thành được theo đúng mục tiêu, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 6 phải bám sát từng ngày, từng giờ đối với những vị trí chưa đạt yêu cầu. Đoạn nào liên quan đến nền đất yếu thì phải ưu tiên nguồn cát về đó trước. Chủ đầu tư phối hợp với địa phương chốt khối lượng thiếu bao nhiêu rồi thương lượng với người dân để giải quyết dứt điểm.
"Chúng ta không thể vì 2km nền đất yếu mà chờ cả tuyến được. Trong khi vật liệu không phải là vấn đề khó khăn ở dự án này. Ngay đến các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vật liệu khó khăn là vậy cũng đã tháo gỡ được, thì không có lý gì mà để chậm trễ", Bộ trưởng chi đạo.
Nhà thầu tự tin rút ngắn thời gian thi công
Cũng trong ngày 17/7, đoàn công tác của Bộ GTVT tiếp tục kiểm tra tiến độ tại vị trí nút giao Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thuộc dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng.
Thay mặt liên danh các nhà thầu, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho biết: Giai đoạn đầu nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi được Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ, những nút thắt đã lần lượt được tháo gỡ. Đến nay giá trị thi công toàn dự án đã đạt hơn 50%.
"Riêng Xuân Trường, để vừa bù tiến độ bị chậm ở giai đoạn đầu, vừa rút ngắn thời gian thi công như đã hứa với lãnh đạo Bộ, đơn vị đưa vào dự án hơn 1.000 máy, 1.500 kỹ sư, công nhân. Đến nay sản lượng thi công của đơn vị ở 2 gói thầu đạt hơn 2.400 tỷ đồng (tương đương 45% giá trị xây lắp)", ông Nguyễn Văn Trường báo cáo.
Đại diện liên danh nhà thầu cũng khẳng định "tự tin sẽ rút ngắn thời gian thi công và thông tuyến chính ngay trước tháng 12/2024".
Tại nút giao cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi với đường Hàm Nghi kéo dài thuộc xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng) cho biết, đơn vị phụ trách thi công 2 dự án với tổng chiều dài hơn 89km. Tới nay, mặt bằng, nguồn vật liệu đã đáp ứng yêu cầu thi công.
"Dự án cao tốc thi công qua địa bàn Hà Tĩnh được tạo điều kiện tối đa. Khối lượng công việc của các đơn vị đều đạt và vượt. Dự kiến, cả 2 dự án đều có thể đưa vào khai thác theo chỉ đạo của Bộ vào 30/4/2025. Riêng đối với 3km nền đất yếu, đơn vị Vinaconex đã đắp nền đường xong, chỉ chờ đến tháng 12 này là dỡ tải", ông Minh nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: "Chúng ta đặt ra mốc 30/4/2025 đưa dự án vào khai thác, rút ngắn thời gian thi công tới 7 tháng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ban quản lý dự án, các nhà thầu". Bộ trưởng cũng yêu cầu: Ngoài tiến độ nhanh phải đi kèm với chất lượng, phải đặt chất lượng lên hàng đầu.
Quá trình kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá: "Trong số các địa phương có dự án cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 đi qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện công tác GPMB hiệu quả nhất. Điều này cho thấy sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò quan trọng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh".
>> Đề xuất cấm xe đầu kéo vào cao tốc Long Thành giờ cao điểm 
Hà Tĩnh: mất an toàn giao thông tại dự án gần 100 tỷ đồng 
Formosa Hà Tĩnh lỗ liên tiếp tới 900 triệu USD, ngành thép đã thoát đáy?