Đi cùng với sự mở rộng quy mô tài sản, giá trị đầu tư trái phiếu của VNDirect (VND) ghi nhận mức tăng hơn 49 lần chỉ trong vòng 6 năm.
Chứng khoán VNDirect (VND ) trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý giới đầu tư với nhiều câu chuyện nổi bật, đặc biệt là kế hoạch tăng vốn khủng trong thời gian qua.
Tại thời điểm đầu năm 2018, vốn điều lệ của VND đạt gần 1.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 5 năm, vốn điều lệ của công ty đã tăng hơn 8 lần, lên mức 12.178 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2024, trở thành một trong số CTCK niêm yết có tốc độ tăng vốn điều lệ nhanh nhất trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó, VNDirect đang triển khai kế hoạch phát hành tổng cộng hơn 585 triệu cổ phiếu trong thời gian tới, qua đó nâng vốn điều lệ của VND từ 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng. Nếu hoàn tất phát hành 100%, VND  sẽ thế chân SSI để trở thành quán quân vốn điều lệ nhóm chứng khoán.
>> UBCKNN cấp giấy chứng nhận cho VNDirect (VND) chào bán 304 triệu cổ phiếu 
Nguồn: Tự tổng hợp |
Trong vòng 6 năm trở lại đây, sau các đợt tăng vốn và huy động thêm nợ vay, VNDirect tập trung phân bổ nguồn vốn huy động vào các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), các khoản cho vay margin. Đáng chú ý, khoản mục FVTPL và các khoản cho vay ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, 3 khoản mục trên ghi nhận 34.202,6 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng tài sản của VNDirect. Trong đó, tài sản FVTPL ghi nhận 16.445,1 tỷ đồng, tài sản HTM đạt 7.799,9 tỷ đồng và các khoản cho vay 9.957,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động cho vay margin, dòng tiền huy động của VND  có dấu hiệu đổ mạnh vào thị trường trái phiếu. Ở thời điểm đầu năm 2018, danh mục đầu tư trái phiếu của VND chỉ ghi nhận hơn 177 tỷ đồng thì tới ngày 31/3/2024, giá trị đầu tư trái phiếu lên tới 8.726 tỷ đồng, tăng gấp 49 lần.
Có thể thấy, cùng với sự lớn mạnh về quy mô tài sản, VNDirect đang mở rộng các danh mục đầu tư trái phiếu một cách nhanh chóng. Tuy vậy, rủi ro từ chiến lược kinh doanh này cũng đang dần bộc lộ khi các trái phiếu liên quan tới các doanh nghiệp có dấu hiệu gặp khó dòng tiền trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.
>> Cục diện cuộc đua tăng vốn CTCK xoay chuyển bất ngờ khi 'End Game', vị trí quán quân đổi chủ