Cùng bị Amazon 'đánh úp': Gilimex bật dậy với tham vọng xây thêm 10 nhà máy, Garmex lâm cảnh 'người ốm 3 năm'
Từ một biến cố, hai doanh nghiệp dệt may cùng gặp cú sốc đơn hàng, tuy nhiên phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau.
![]() |
Hình minh họa |
Cuối năm 2022, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex – Mã GIL ) khiến giới đầu tư sửng sốt khi khởi kiện Amazon tại Tòa án Tối cao New York, đòi bồi thường tới 280 triệu USD. Nguyên nhân xuất phát từ việc Amazon – đối tác chiếm khoảng 80% đơn hàng – bất ngờ thu hẹp đơn sản xuất, khiến Gilimex dư thừa năng lực, tồn kho nguyên liệu và rơi vào khủng hoảng tài chính.
Từ doanh nghiệp dệt may có quy mô hàng đầu, Gilimex nhanh chóng tụt dốc. Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh còn 50 tỷ đồng năm 2023 và chỉ nhích nhẹ lên 53 tỷ đồng năm 2024. Cú sốc Amazon không chỉ khiến công ty gồng gánh thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mà còn buộc họ phải đối mặt với câu hỏi sống còn: Tiếp tục trông chờ vào gia công truyền thống hay tìm lối đi khác?
Vực dậy sau khủng hoảng
Đến năm 2025, câu trả lời của Gilimex đã rõ: Chuyển mình!
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng – tăng 69% so với năm 2024; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, gấp gần 3 lần. HĐQT cũng trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt 10% cho cả năm 2024 và 2025 – một động thái cho thấy sự tự tin vào triển vọng phục hồi.
Gilimex đang tái định vị lại vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ tập trung đầu tư vào hai ngành hàng có biên lợi nhuận cao và ít lệ thuộc hơn vào các đối tác lớn: hàng gia dụng kết hợp vải – nhựa – kim loại và ngành hàng thú nhồi bông. Trong 10 năm tới, doanh nghiệp hiện có quy mô gần 3.260 tỷ đồng tài sản - dự kiến xây dựng thêm 10 nhà máy thú nhồi bông, phục vụ các khách hàng mới.
Đáng chú ý hơn cả là chiến lược mở rộng sang bất động sản khu công nghiệp – một bước đi không mới trên thị trường nhưng cho thấy quyết tâm đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Gilimex đang phát triển hàng loạt dự án lớn tại Huế (460ha), Vĩnh Long (400ha) và Bắc Giang (149ha), đồng thời kết hợp triển khai dịch vụ logistics, kho xưởng cho thuê. Kế hoạch tài chính đi kèm cũng đầy tham vọng: chi đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng và vay ngân hàng 3.000 tỷ để tài trợ vốn lưu động trong năm 2025.
Số phận trái ngược của Garmex Sài Gòn
Trong khi Gilimex xoay chuyển tình thế, CTCP Garmex Sài Gòn (Mã GMC ) – đối tác gia công từng gắn bó chặt chẽ với Gilimex – lại lâm cảnh khó khăn trầm trọng.
Do phụ thuộc lớn vào nguồn đơn hàng từ Gilimex, khi “ông lớn” này mất hợp đồng với Amazon, Garmex gần như mất luôn động lực tăng trưởng. Năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu riêng lẻ chỉ 2,1 tỷ đồng, lỗ sau thuế 19,6 tỷ đồng. Báo cáo hợp nhất cũng không khả quan hơn, với khoản lỗ ròng 30 tỷ – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thua lỗ sau khi đã âm gần 85 tỷ đồng năm 2022 và 51,9 tỷ đồng năm 2023.
Từng là doanh nghiệp dệt may hàng đầu, được thành lập từ năm 1976, Garmex Sài Gòn giờ đây gần như ngưng hoạt động sản xuất. Số nhân sự chỉ còn 31 người tính đến cuối năm 2024, giảm mạnh so với mức hơn 4.000 lao động trước đại dịch. Do ngừng hoạt động kinh doanh hơn một năm, cổ phiếu GMC đã bị HoSE hủy niêm yết và chuyển sang UPCoM.
Trong nỗ lực tìm hướng tồn tại, Garmex giờ đây đã bắt tay với CTCP VinaPrint đầu tư sân chơi pickleball – một hoạt động ngoài ngành, dùng đất công ty đổi lấy cam kết lợi nhuận cố định mỗi tháng.
Một bài học lớn về sự thích ứng
Từ một biến cố, hai doanh nghiệp dệt may cùng gặp cú sốc đơn hàng, tuy nhiên phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau. Gilimex chọn cách “lật ngược ván cờ” bằng tái cấu trúc và mở rộng lĩnh vực kinh doanh, trong khi Garmex loay hoay với tình trạng mất đơn hàng và tài chính sa sút.
Với môi trường toàn cầu liên tục biến động, bài học từ Gilimex – và cả Garmex – cho thấy khả năng thích ứng và tư duy dài hạn sẽ quyết định ai còn trụ lại trên thị trường, nhất là trong những ngành dễ tổn thương như dệt may gia công.
Xuất khẩu dệt may từng là 'ngựa ô' của nền kinh tế Việt, nay chịu áp lực sống còn 
Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ dự án khu công nghiệp 2.200 tỷ đồng của Gilimex (GIL)