Xuất phát điểm từ dệt may: Một bên thành đế chế nghìn tỷ USD, bên kia phải dùng nhà xưởng để mở sân pickleball
Đó là một câu chuyện có vẻ rất khập khiễng giữa hai doanh nghiệp từng có gốc dệt may, ở hai quốc gia khác biệt.
Berkshire Hathaway và Garmex Sài Gòn, cùng xuất phát từ ngành dệt may nhưng lại đi đến hai số phận trái ngược. Một bên trở thành biểu tượng thành công toàn cầu nhờ chiến lược đầu tư tài tình, bên kia lại chìm vào khó khăn vì phụ thuộc vào đối tác và thiếu chiến lược phát triển dài hạn. Sự tương phản này là bài học sâu sắc về tầm quan trọng của tầm nhìn và tư duy quản trị trong kinh doanh.
![]() |
Tỷ phú Warren Buffett điều hành Berkshire Hathaway |
Berkshire: Từ doanh nghiệp dệt may sắp phá sản đến đế chế đầu tư nghìn tỷ USD
"Đế chế" Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vừa công bố báo cáo thường niên 2024 với lợi nhuận hoạt động kỷ lục 47,44 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước và đánh dấu năm thứ ba liên tiếp lập đỉnh lợi nhuận. Nhờ bán cổ phiếu lớn như Apple và American Express, lợi nhuận ròng của Berkshire đạt 89 tỷ USD.
2025 đánh dấu 60 năm ông Buffett điều hành Berkshire, biến công ty từ một hãng dệt may sắp phá sản thành đế chế đầu tư trị giá 1.030 tỷ USD (gấp 2,16 lần GDP Việt Nam 2024). Hiện tại, Berkshire sở hữu cổ phần lớn tại nhiều công ty bảo hiểm, đường sắt, năng lượng, công nghiệp bán lẻ và nắm giữ cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn lớn.
Trong thư gửi cổ đông, ông Buffett khẳng định Berkshire sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào cổ phiếu, chủ yếu tại Mỹ. Dù không thực hiện thương vụ mua lại nào từ năm 2016, công ty có thể tăng đầu tư tại 5 công ty thương mại Nhật Bản gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo (hiện trị giá 23,5 tỷ USD).
Từ năm 1967 đến nay, Berkshire không trả cổ tức mà dùng lợi nhuận để tái đầu tư. Năm ngoái, công ty nộp thuế liên bang 26,8 tỷ USD, chiếm 5% tiền thuế của doanh nghiệp Mỹ.
Ông Buffett (94 tuổi) thừa nhận sẽ phải chống gậy và ít trả lời câu hỏi tại ĐHCĐ thường niên ngày 3/5 tới, đồng thời tiết lộ sẽ trao quyền điều hành cho Phó Chủ tịch Greg Abel - người được ông đánh giá cao về năng lực đầu tư. “Sẽ không lâu nữa, Abel sẽ tiếp quản công ty”, ông Buffett viết.
>> 'Đế chế' đầu tư liên tục bán cổ phiếu trước rủi ro đồng USD 
Garmex Sài Gòn: Cú trượt dài của một biểu tượng ngành dệt
Cùng xuất phát điểm như Berkshire Hathaway, CTCP Garmex Sài Gòn (Mã GMC  - UPCoM), biểu tượng ngành dệt may Việt Nam, lại không được may mắn như vậy.
Thành lập từ năm 1976, Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam và là một trong những công ty dệt may đầu tiên niêm yết trên sàn HoSE năm 2006. Đỉnh cao thành công đến vào năm 2013 khi công ty nhận Huân chương Lao động Hạng 3 và lọt Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn.
Tuy nhiên, từ mức doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng năm 2018, hoạt động kinh doanh của Garmex bắt đầu lao dốc. Lợi nhuận ròng từ 120 tỷ đồng năm 2018 giảm dần và chuyển sang lỗ 84,7 tỷ đồng năm 2022, lỗ tiếp 51,9 tỷ đồng năm 2023. Đặc biệt, năm 2024, doanh thu của công ty chỉ còn 857 triệu đồng, lỗ 18,2 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi ngày, công ty chỉ đạt doanh thu 2,35 triệu đồng, tương đương doanh số một quán trà chanh .
Tình trạng khó khăn kéo theo việc cắt giảm lao động từ hơn 4.100 người năm 2018 xuống còn 31 người cuối năm 2024. Ban lãnh đạo cho biết, đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh không còn đơn hàng. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự phụ thuộc lớn vào đối tác CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã GIL). Khi Gilimex vướng vào vụ kiện với Amazon Robotics LLC, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khiến Garmex gặp khó khăn trong việc duy trì đơn hàng.
![]() |
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất. Công ty đã tạm dừng sản xuất may mặc và chuyển sang thanh lý tài sản, tìm kiếm đơn hàng từ thị trường châu Âu và châu Mỹ nhưng chưa đạt kết quả khả quan.
Để cải thiện tình hình, Garmex lên kế hoạch tái khởi động sản xuất tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025, dự kiến tuyển lại khoảng 1.200 lao động. Dù vậy, để đạt được mục tiêu này, công ty cần tìm kiếm đối tác mới và đơn hàng ổn định từ thị trường quốc tế.
Trong nỗ lực khắc phục khó khăn, Garmex đã quyết định hợp tác với CTCP VinaPrint để đầu tư sân pickleball . Theo đó, GMC sẽ góp từ 1.000-3.000m² đất của công ty để xây dựng sân, phía VinaPrint sẽ thanh toán lợi nhuận cho Garmex Sài Gòn hàng tháng, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.
>> Garmex Sài Gòn: Cú trượt dài của một biểu tượng ngành dệt may, 4.100 lao động bị trả hồ sơ