Tập đoàn Thuận An khiến loạt quan chức bị bắt: 2 năm trúng thầu 18.000 tỷ đồng
Nhiều quan chức đã bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ án tại CTCP Tập đoàn Thuận An. Vậy doanh nghiệp này làm ăn ra sao mà khiến loạt quan chức 'ngã ngựa'?
Doanh nghiệp khiến loạt quan chức 'ngã ngựa'
Chiều 4/5, tại buổi họp báo Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an thông tin diễn biến mới vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An . Cụ thể, với vụ án này đến nay Bộ Công an đã khởi tố tạm giam 8 bị can và bị can mới nhất là ông Dương Văn Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thủ tục tố tụng được tiến hành vào ngày 1/5.
Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ án án này. Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thuận An, bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 22/4, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Tập đoàn Thuận An tiền thân là CTCP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2004 với vốn điều lệ khiêm tốn 3,9 tỷ đồng.
Thuận An Group được biết đến là tập đoàn chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản.
Giai đoạn 2011-2018, Thuận An Group bắt đầu con đường mở rộng quy mô với đích đến là xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 3 lần tăng vốn điều lệ đều tính bằng lần. Đến năm 2014, vốn đăng ký của doanh nghiệp đã lên 300 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên gần 3 lần (800 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần so với khi mới thành lập).
Nhiều năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng.
Trong vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Thuận An đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2023, Thuận An đã trực tiếp hoặc liên danh, tham gia và trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, thành với tổng giá trị trên 23.000 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong 2 năm 2022-2023, doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu với tổng trị giá 18.000 tỷ, trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19.
Trúng thầu tại nhiều tỉnh thành
Những năm lại đây, tập đoàn này nổi lên là một nhà thầu trong các dự án làm cầu. Đó là dự án cầu sông Rút nằm trên tuyến cao tốc nối Hạ Long với Bạch Đằng; Cầu Cửa Hội - dây văng Extradosed bắc qua sông Lam; Cầu Vĩnh Tuy 2 - cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội; cầu Rạch Miễu 2...
Tại Bắc Giang, doanh nghiệp này đang tham gia thực hiện dự án cầu Đồng Việt. Đây là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, vượt sông Thương nối với tỉnh Hải Dương.
Giá trúng thầu gói thầu này là 1.132,7 tỷ đồng. Liên danh CTCP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, CTCP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính được lựa chọn thực hiện (Gói thầu số 07).
Theo phê duyệt, dự án có tổng chiều dài 8,59km, trong đó phần đường dẫn lên cầu hai bên dài khoảng 7,86km, công trình cầu Đồng Việt dài khoảng 731,2m. Dự án được triển khai thi công trong 3 năm (2022-2025), từ nguồn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
Ngày 22/4, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết đã rà soát các công trình, dự án do CTCP Tập đoàn Thuận An thực hiện.
Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Thuận An đã và đang thực hiện các dự án tại tỉnh này với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách.
Thuận An đang liên danh với các nhà thầu triển khai gói thầu số 13 dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 1). Thời gian thực hiện dự án: 2021-2024.
Phần công việc của CTCP Tập đoàn Thuận An thực hiện gồm: thi công cầu Tân Yên 2, cầu Hang Son, cầu Sông Cầm, cầu sông Đạm Thủy với tổng giá trị hơn 354 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Thuận An và các nhà thầu phụ đang thi công 4 cây cầu thuộc gói thầu 13 này.
Tại TP.HCM , Tập đoàn Thuận An tham gia liên danh cùng các nhà thầu khác thi công tại 2 dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM do Ban Giao thông làm chủ đầu tư là dự án Vành đai 3 và dự án nút giao Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ. Tại dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Tập đoàn Thuận An tham gia gói thầu XL5, xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985).
Trong gói thầu trên, đơn vị này tham gia liên danh cùng 8 nhà thầu xây lắp khác để thực hiện hợp đồng. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó, nhà thầu Thuận An có tỉ lệ liên danh 26,5% của hợp đồng, tương đương 610 tỷ đồng.
Tại dự án đầu tư xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Tập đoàn Thuận An tham gia liên danh cùng 2 nhà thầu xây lắp khác. Tổng giá trị hợp đồng 262 tỷ đồng, trong đó nhà thầu Thuận An có tỉ lệ liên danh 40%, tương đương 105 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Thuận An còn liên danh nhiều nhà thầu khác tham gia thi công hai gói thầu XL05 và XL06 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.
Tại Bình Dương, tỉnh này cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại gói thầu tại dự án đường tạo lực (tạo tiềm lực để phát triển) Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, để đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật. Đây là dự án liên doanh có sự tham gia góp vốn giữa Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và một số công ty tư nhân khác. Vốn đầu tư của dự án khoảng 3.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến Tập đoàn Thuận An.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, qua nắm bắt thông tin, CTCP Tập đoàn Thuận An và ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT vi phạm quy định về đấu thầu.
Do đó, Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các phòng, đơn vị, địa phương liên quan rà soát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn có liên quan đến CTCP Tập đoàn Thuận An (nhà thầu, nhà đầu tư).
Giữa tháng 4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại tỉnh này. Theo văn bản này, C03 đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin và toàn bộ hồ sơ liên quan đến gói thầu số 3 thi công xây dựng (đoạn Km0-Km20+500) dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (đường tránh Đông). |