Tết đến bị hỏi khó 'Khi nào lập gia đình?', cách đối đáp này xứng đáng nhận điểm 10 tinh tế!
Đây là tuyệt chiêu dành cho gái ế đáp trả câu hỏi quen thuộc vào ngày Tết "Khi nào lấy chồng?"
Tết Nguyên đán  là ngày lễ lớn nhất trong năm, có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa người Việt. Đây là dịp để gia đình, họ hàng, bạn bè gặp gỡ, sum họp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chúng ta phải đối mặt với nhiều câu hỏi về thu nhập, mức lương, ngoại hình hay tình trạng hôn nhân. Những câu hỏi như "Bao giờ lấy chồng?", "Khi nào kết hôn?", "Khi nào lập gia đình?"... khiến những người trẻ, độc thân  vô cùng khó xử, mệt mỏi.
Sau một năm dài làm việc xa nhà, được quây quần bên người thân trong thời khắc năm mới là điều vô cùng hạnh phúc, ai nấy đều vui vẻ, thế nhưng những câu hỏi ấy khiến nhiều người ngại ngần, bực bội, thậm chí chán, sợ Tết.
Vân Anh (sinh năm 1992) lắc đầu, thở dài mỗi khi nhắc đến dịp Tết. Cô nàng thẳng thắn nói rằng trước đây háo hức về quê ăn Tết bao nhiêu thì bây giờ sợ bấy nhiêu. Cô không ngại cỗ bàn, dọn dẹp nhưng những câu hỏi về chuyện lấy chồng của các bà, các cô, các bác luôn khiến cô mệt mỏi. Ban đầu, Vân Anh không mấy để tâm, cho rằng đó chỉ là những câu nói đùa, quan tâm. Nhưng từ năm 27 tuổi đến nay, các câu hỏi về chủ đề này ngày càng dồn dập và có ý trách móc, mỉa mai khiến cô không thể thoải mái, vui vẻ. Cô nàng 9X nói: “Vài năm trước, mình không mấy khó chịu và vẫn trả lời các câu hỏi về chuyện lấy chồng. Mình vừa cười vừa bảo không lấy chồng đâu, nên mọi người đừng hỏi. Nhưng những năm gần đây thật sự mọi người hỏi quá nhiều nên mình rất mệt mỏi. Mình thường lảng sang chuyện khác hoặc nhận thấy có dấu hiệu họ hàng bàn về chuyện cưới xin là nhanh chân trốn đi”.
Cũng như Vân Anh, đã bước sang “tuổi băm” nên Kiều Trang (33 tuổi, Thanh Hóa) bị bố mẹ và họ hàng giục cưới liên tục. Thậm chí, mẹ cô còn nói rằng bây giờ chỉ mong có người hỏi cưới, sẽ gả ngay, không cần biết gần hay xa. Vì thế, Tết đến, Kiều Trang thường không tham gia những bữa cỗ của đại gia đình. Cô nói rằng các bác, các thím rất thích hỏi chuyện kết hôn  rồi so sánh với các em, các chị khiến cô khó chịu. Thậm chí, có những người nói chuyện khá khó nghe nên Trang luôn viện cớ bận việc đột xuất để không tham gia những buổi liên hoan, tiệc tùng như thế.
Không chỉ riêng Vân Anh hay Kiều Trang, nhiều người trẻ cũng "đau đầu" vì liên tục bị hỏi về đời sống tình cảm như "Có người yêu chưa?", "Sao gần 30 tuổi vẫn chưa ai để ý..." trong dịp Tết. Nếu bị hỏi lần đầu, bạn có thể học những người EQ cao, đối đáp bằng cách nói sang chủ đề khác như thời trang, làm đẹp... để tránh chuyện tình cảm.
Nếu không thành công, bạn có thể đáp: "Khi nào chuyện tình cảm có tiến triển gì, cháu sẽ chia sẻ với bác" hay "Khi nào cưới, cháu nhất định mời bác nên bác cứ yên tâm".
Khi những câu trả lời này không có tác dụng với người cố tình hỏi xoáy, không có thiện chí, bạn có thể áp dụng cách thiết lập ranh giới "đanh thép" hơn, thể hiện thái độ khó chịu và nhẹ nhàng yêu cầu đối phương không hỏi thêm.
Nếu đã thử tất cả phương pháp đặt giới hạn trên nhưng vẫn không khiến bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái trong cuộc trò chuyện thì tốt nhất là nên rời đi. Tuy nhiên, bạn không cần gây náo loạn, cãi vã trước khi rời đi. Thay vào đó, bạn hãy kiếm một lý do khéo léo để không làm mất hòa khí trong dịp đầu năm mới.