Thái Lan rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá thép với Việt Nam và Trung Quốc
Cục Ngoại Thương Thái Lan vừa khởi xướng rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá với một mặt hàng thép từ Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Ngày 4/2/2025, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin về việc Cục Ngoại Thương Thái Lan (Cơ quan điều tra) khởi xướng rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép các bon cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Sản phẩm thép bị điều tra rà soát được phân loại theo mã HS: 7209.1500, 7209.1600, 7209.1700, 7209.1820, 7209.1890, 7209.2500, 7219.2600, 7209.2700, 7209.2810, 7209.2890, 7209.9010, 7209.9090, 7211.2310, 7211.2320, 7211.2330, 7211.2390, 7211.2910, 7211.2920, 7211.2930, 7211.2990, 7225.5000.
Thái Lan điều tra CBPG thép các bon cán nguội từ Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan (Ảnh minh họa) |
Hiện tại, bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đã được ban hành. Thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi vào ngày 7/3/2025. Để kịp thời ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có liên quan; khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia nếu cần thiết.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, theo Cục Phòng vệ thương mại cần đăng ký tham gia và trả lời bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn và thể thức quy định. Hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra (gồm trả lời bản câu hỏi điều tra, gửi ý kiến bình luận…) trong toàn bộ quá trình vụ việc để tránh bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ (thường dẫn tới kết quả bất lợi). Đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn, thể thức và thời hạn quy định. Liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, ngày 14/1 vừa qua, trên cơ sở xem xét kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá  chính thức đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia.
Mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 9,79% đến 28%.
Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.
Kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định rằng: (1) hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá; (2) có việc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với việc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Sản phẩm cáp thép dự ứng lực nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 143/QĐ-BCT.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc có thể được rà soát, điều chỉnh khi có hồ sơ yêu cầu của các bên liên quan theo quy định pháp luật để đảm bảo biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và trong khoảng thời gian hợp lý.