Nếu như tại ngày 5/4/2022 toàn thị trường có 62 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD thì đến hết phiên 16/5/2022 chỉ còn 55 doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong lịch sử, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, nguyên nhân là tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Fed tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
VN-Index mất 354 điểm tính từ phiên ngày 5/4 đến 16/5/2022, rơi từ vùng 1.526 điểm về 1.172 điểm. HNX-Index mất 152 điểm và rơi về vùng 307 điểm, UPCoM-Index giảm 24 điểm về mức 93,2 điểm.
Cùng với đà giảm này, vốn hóa toàn thị trường cũng ghi nhận “bay hơi” hơn 22,3% xuống 6,2 triệu tỷ đồng.
Theo đó, nếu như tại ngày 5/4/2022 toàn thị trường có 62 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD thì đến hết phiên 16/5/2022 chỉ còn 55 doanh nghiệp. Vốn hóa lớn nhất vẫn là Vietcombank (VCB) với 351.153 tỷ đồng - giảm 10,6%. Tiếp sau là Vingroup (VIC) với 293.673 tỷ đồng - giảm 6,4%; Vinhomes (VHM ) giảm gần 14% xuống 286.517 tỷ đồng.
Vinamilk (VNM) và Novaland (NVL) quay trở lại top 10 thay cho Masan Group (MSN ) và Techcombank (TCB).
Ghi nhận vốn hóa “bay hơi” mạnh nhất trong số doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD là Thaiholdings (THD) với mức giảm từ 59.850 tỷ đồng về còn 28.350 tỷ đồng. Nếu tính từ mức giá đỉnh 277.000 đồng (tương ứng vốn hóa 97.000 tỷ đồng) - THD đã giảm hơn 70.000 tỷ đồng vốn hóa về còn 25.600 tỷ đồng (kết phiên 17/5/2022 - mức 73.200 đồng).
Vốn hóa thị trường Tập đoàn Gelex (GEX) giảm phân nửa xuống mức 16.774 tỷ đồng, cổ phiếu giảm từ vùng 40.000 đồng/cp về 19.700 đồng - đáy 1 năm.
Ngược lại, doanh nghiệp hầu như không bị tác động của thị trường chung là Tập đoàn KSFinance (KSF ), vốn hóa giảm chưa tới 2% xuống 31.800 tỷ đồng. Cổ phiếu KSF gần như đi ngang quanh vùng 106.000 đồng tính từ đầu tháng 3 đến nay, khối lượng giao dịch đạt vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.