'Thần đồng' Toán học duy nhất VN đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế được phong hàm Giáo sư năm 32 tuổi, là nhân vật quan trọng của Viện đại học Pháp
Hiện, Giáo sư là thành viên của Viện Đại học Pháp, được đánh giá là "chuyên gia hàng đầu thế giới về hệ động lực nhiều biến".
Hoàn thành luận án tiến sĩ  với kết quả xuất sắc chỉ trong hai năm, Giáo sư Đinh Tiến Cường đã trở thành giáo sư  đại học tại Pháp vào năm 2005 khi mới 32 tuổi. Đây là một thành tựu đáng nể, đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của ông. GS Đinh Tiến Cường đã gắn bó lâu dài với nền toán học của Pháp, quốc gia nổi tiếng với nhiều giải thưởng Fields danh giá.
Với tài năng và sự cống hiến, GS Đinh Tiến Cường đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của toán học tại Pháp. Ông không chỉ là một nhà toán học xuất sắc mà còn là một giảng viên tận tâm, luôn truyền đạt kiến thức và đam mê toán học đến các thế hệ sinh viên.
Giáo sư Đinh Tiến Cường sinh năm 1973 tại TP Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống nhà giáo. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện sự xuất sắc trong học tập khi bắt đầu đi học sớm một năm. Năm học 1981-1982, ông là học sinh lớp 4 chuyên đầu tiên của thị xã Hải Dương tại Trường PTCS Trần Phú, dưới sự dẫn dắt của cô giáo Nguyễn Thị Thảo. Từ năm 1982 đến 1985, Đinh Tiến Cường học lớp chuyên toán của tỉnh tại Trường PTCS Ngô Gia Tự, với thầy giáo Đặng Văn Hãng giảng dạy và làm chủ nhiệm.
Năm 1986, Đinh Tiến Cường đạt thủ khoa trong kỳ thi vào lớp 10 hệ THPT chuyên toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Đến tháng 7 năm 1989, ông được chọn vào đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 30 tại Cộng hòa Liên bang Đức, cùng gần 300 thí sinh từ 42 quốc gia.
Tại kỳ thi này, đội tuyển Việt Nam xuất sắc giành hai Huy chương vàng, với Ngô Bảo Châu và Đinh Tiến Cường đều đạt thành tích tuyệt đối 42/42 điểm, đưa đội tuyển Việt Nam xếp thứ 9 toàn đoàn. Thành tích của ông được ghi dấu, trở thành một trong 10 người Việt Nam đạt điểm tuyệt đối tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế sau gần 50 năm tham gia.
Sau khi hoàn thành một năm học ngoại ngữ trong nước, năm 1991, Ngô Bảo Châu du học tại Pháp, theo học tại Trường Đại học Sư phạm Paris - một trong những trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp. Đinh Tiến Cường theo học tại Trường Đại học Odessa ở Liên Xô. Tuy nhiên, do tình hình chính trị ở Liên Xô biến động, tháng 7 năm 1993, được sự giới thiệu của Ngô Bảo Châu, ông chuyển sang Pháp và dự thi bổ sung vào khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Paris. Mặc dù kết quả thi chưa đạt yêu cầu do khó khăn về ngoại ngữ, ông vẫn được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và giới thiệu sang học tại Trường Đại học Marie Curie (Paris 6).
Chia sẻ với Báo Dân Trí về khoảng thời gian sang Pháp, GS Đinh Tiến Cường cho biết bản thân gặp rất nhiều khó khăn: “Khi sang Paris, tôi đã phải làm việc nhiều hơn các đồng nghiệp khác để bù lại 3 năm ở Odessa mà tôi đã học hỏi được rất ít. Được học tập và làm việc tại Paris là một thuận lợi lớn trong sự nghiệp của tôi, vì Paris là nơi tập trung nhiều nhà Toán học nhất thế giới. Công việc của giới nghiên cứu thì không bao giờ hết và con đường khoa học vẫn luôn luôn là một con đường gian nan”.
Nhưng vượt qua mọi thử thách đó, chỉ sau một năm học tập tại Paris 6, Đinh Tiến Cường tốt nghiệp cử nhân Toán học và nhận được học bổng hai năm để hoàn thành chương trình thạc sĩ. Tuy nhiên, ông đã hoàn thành luận văn thạc sĩ chỉ trong một năm và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học hai năm sau đó với đánh giá "Rất đáng tôn kính" - mức đánh giá cao nhất (Mức 1: đáng tôn kính. Mức 2: Rất đáng tôn kính).
Năm 1998, Đinh Tiến Cường được Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp phong hàm Phó Giáo sư khi ông đang giảng dạy tại Đại học Paris 11. Đến năm 2005, ông được phong hàm Giáo sư khi mới 32 tuổi và chuyển sang giảng dạy tại khoa Toán của Trường Đại học Paris 6 từ năm 2006. Trong suốt sự nghiệp của mình, GS Đinh Tiến Cường đã tham gia và đọc báo cáo tại nhiều Hội nghị Toán học quốc tế, được mời giảng dạy chuyên đề ở nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Canada…
Chia sẻ về công việc hiện tại, GS nói: “Hiện tại tôi công tác chủ yếu tại trường Đại học Paris 6. Công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu. Là thành viên của Viện đại học Pháp, công việc giảng dạy của tôi được giảm nhiều, hiện tôi chỉ đảm nhận một khóa cho sinh viên cao học. Thời gian chủ yếu của tôi dành cho nghiên cứu.
Ngoài ra tôi còn tham gia tổ chức chương trình cao học, tổ chức seminar, hội nghị, giảng dạy cho Đại học Bách khoa Paris và làm việc cho các hội động khoa học hay các tạp chí Toán học”, theo Báo Dân Trí.
Với tài năng và sự cống hiến không ngừng, GS Đinh Tiến Cường đã góp phần nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế. Sự nghiệp của ông không chỉ là minh chứng cho sự kiên trì và nỗ lực cá nhân mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà khoa học trẻ noi theo.
*Tổng hợp: Báo Dân Trí, Báo Hải Dương, VTC News