Hàng loạt các dự án cầu sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian tới nhằm giảm tình trạng kẹt xe, tăng kết nối vùng và mở rộng không gian vùng lõi đô thị.
(TyGiaMoi.com) - Rót vốn hơn 17.000 tỷ đồng để xây 2 cây cầy phía Nam TP. HCM
Thời điểm hiện tại, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu ở địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh, chưa có sự kết nối với quận 4, quận 7 và Khu đô thị Nam thành phố. Do đó, dự án cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn sang quận 7 hiện đang được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài 2km, 6 làn xe và tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo Lao Động, công trình này có điểm đầu kết nối ở đại lộ Nguyễn Văn Linh tại nút giao đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7 và điểm cuối vào đường Nguyễn Cơ Thạch thuộc giao lộ với tuyến R4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo dự kiến, dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ trình lên Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. HCM thông qua chủ đầu tư tại kỳ họp vào giữa năm 2024. Thời gian hoàn thành dự án này vào năm 2028, giúp kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị mới Nam TP HCM, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh hai khu đô thị này.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 cũng tạo nên một trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam thành phố, làm giảm tải áp lực kẹt xe cho các trục đường Nguyễn Tất Thành, cầu Kênh Tẻ, cầu Khánh Hội...
Khu vực phía Nam hiện tại kết nối giao thông giữa huyện Cần Giờ với nội đô TP. HCM chủ yếu đều diễn ra qua phà Bình Khánh và luôn trong tình trạng quá tải. Theo dự kiến thời gian không xa, huyện Cần Giờ sẽ triển khai dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, dân số quy hoạch là 228.506 người và khách du lịch dự kiến khoảng 8,89 triệu lượt khách/năm. Đây được kỳ vọng sẽ có dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, kết nối của người dân trên địa bàn.
Dự án cầu Cần Giờ được đề xuất sẽ có tổng chiều dài 7,3km, nối từ đường 15B sau đó vượt qua sông Soài Rạp để nối vào đường Rừng Sác thuộc Cần Giờ. Với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, dự án cầu Cần Giờ dự kiến sẽ trình HĐND TP. HCM thông qua vào giữa năm nay và sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028.
>> 58ha đất trồng lúa tại 'cửa ngõ' TP. HCM bất ngờ được 'khoác áo mới'
(TyGiaMoi.com) - 3 cây cầu kết nối đến Đồng Nai
Về vị trí địa lý, TP. HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vải. Ngoài ra, 3 tuyến đường bộ trục chính là Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K và cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng luôn trong tình trạng quá tải.
Trước thực trạng này, TP. HCM và Đồng Nai đã thống nhất chi tiền xây thêm 2 cây cầu khác gồm Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2. Trong khi đó, người dân đã chờ đợi 20 năm cầu Cát Lái kết nối TP. Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) mới xây dựng. Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cây cầu này trước năm 2025 nhưng TP. HCM lại muốn lùi đến năm 2030.
Theo Báo Thanh Niên, Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP. HCM mới đây đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái. Trong đó bao gồm dự kiến các mốc thời gian chính như cập nhật quy hoạch, phê duyệt đầu tư, giải phóng mặt bằng, khởi công... cũng như các nội dung phối hợp giữa 2 địa phương để làm cơ sở thống nhất cùng triển khai thực hiện.
Dự án cầu Đồng Nai 2 nối huyện Long Thành với TP. Thủ Đức có quy mô 6 làn xe, điểm đầu cầu được nối với Vành đai 3 tại nút giao Gò Công - tuyến đường nhánh từ tuyến vành đai ra Xa lộ Hà Nội (thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức); điểm cuối nối đường ĐT 777B (thuộc xã Tam An, huyện Long Thành).
Trong khi dự án cầu Phú Mỹ 2 sẽ nối 2 huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua quận 7 thuộc phía Nam TP. HCM, xuất phát từ công trình bờ huyện Nhơn Trạch, vượt sông Đồng Nai và đi theo đường Hoàng Quốc Việt với 6 làn xe, sau đó nối vào nhánh rẽ với tuyến Nguyễn Lương Bằng và đường Nguyễn Hữu Thọ với 4 làn xe.
>> Phân khúc bất động sản nào đang được ‘tiếp kháng thể’ trở thành ‘miếng bánh’ đắt khách nhất?
Trong kết luận tại cuộc họp nghe báo cáo nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh tính cấp thiết và phù hợp của việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Sở GTVT đề nghị Sở QH-KT hỗ trợ và cung cấp thông tin cũng như các tài liệu liên quan về đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn, nhằm hoàn thiện phương án hướng tuyến đường đảm bảo hài hoà, đồng bộ và phù hợp với quy hoạch khai thác hiệu quả các giá trị sinh thái sông nước tự nhiên.
Giao phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ phối hợp cùng các đơn vị liên quan, hoàn thiện phương án về tuyến đường ven sông Sài Gòn, sẽ kéo dài đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh; đồng thời nghiên cứu các giải pháp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh nhằm phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường và tăng cường khả năng kết nối vùng.
TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.
Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam.