Thành phố rộng nhất Việt Nam quy hoạch khu trung tâm rộng hơn 200ha, quy mô dân số 34.000 người
Khu vực này được quy hoạch để phát triển các chức năng hành chính, văn hóa, công cộng, dịch vụ thương mại… của thành phố.
Theo phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, khu trung tâm phía Đông TP. Huế  (nay là quận Thuận Hóa) bao gồm một phần địa giới hành chính các phường Xuân Phú, An Cựu, An Đông và Phú Hội với tổng diện tích khoảng 244ha và dân số quy hoạch dự kiến đạt 34.000 người vào năm 2045. Đây sẽ là khu vực trọng điểm phát triển các chức năng hành chính, văn hóa, công cộng, dịch vụ và thương mại, tạo sự kết nối liền mạch với trung tâm phía Nam và khu đô thị mới An Vân Dương.
Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng khu vực này thành một đô thị  hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, với không gian sống chất lượng, cảnh quan đặc trưng. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch chi tiết, phát triển các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống cây xanh được khai thác tối đa với các công viên tập trung lớn như dọc tuyến đường Tố Hữu, sông An Cựu, sông Như Ý và hồ Kiểm Huệ, tạo nên không gian đô thị xanh và hài hòa. Định hướng quy hoạch chú trọng vào phát triển công trình thấp tầng, hạn chế áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, đồng thời tăng cường kết nối giao thông và các tiện ích thiết yếu.
Trên cơ sở tiềm năng phát triển của từng khu vực, quy hoạch được chia thành 3 phân khu chính.
Phân khu số 1 (khoảng 80ha) tập trung phát triển các trung tâm hành chính, quảng trường văn hóa, thể dục thể thao và dịch vụ công cộng dọc trục Tố Hữu. Các khu dân cư hiện hữu tại Dương Văn An và Nguyễn Lộ Trạch sẽ được chỉnh trang, kết hợp khai thác cảnh quan ven sông Như Ý và sông Phát Lát.
Phân khu số 2 (khoảng 124ha) ưu tiên chỉnh trang đô thị và phát triển dịch vụ thương mại dọc các tuyến đường Hùng Vương, An Dương Vương. Khu vực này sẽ tận dụng các không gian mở và công viên dọc sông An Cựu để phục vụ cộng đồng.
Phân khu số 3 (40,6ha) là khu vực phát triển đô thị mới, đóng vai trò kết nối Quốc lộ 1A với khu đô thị An Vân Dương.
Khu vực quảng trường văn hóa Huế, bao quanh nhà thi đấu Bà Triệu, sẽ được cải tạo thành không gian công cộng hiện đại, bổ sung các công trình ngầm như bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu lễ hội và sinh hoạt cộng đồng. Những khu vực có giá trị lịch sử như lăng Vạn Vạn, đình làng An Cựu sẽ được bảo tồn, với việc kiểm soát chiều cao, khối tích và màu sắc công trình để hài hòa với cảnh quan di tích. Các khu vực ven sông sẽ được chỉnh trang cây xanh, bổ sung các công viên và lối đi bộ, tạo điểm nhấn đặc trưng cho đô thị.
Công trình nhà ở dọc các tuyến phố lớn như Bà Triệu, Hùng Vương và An Dương Vương được khuyến khích phát triển theo mô hình kết hợp dịch vụ thương mại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhà ở trong các khu vực ven sông như Như Ý và An Cựu sẽ phát triển gắn liền với du lịch, bao gồm các dịch vụ như nhà hàng, cà phê, homestay.
Sở Xây dựng TP. Huế cùng các ban ngành liên quan chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định pháp luật. Sở Xây dựng cũng là đơn vị chủ trì thẩm định hồ sơ đồ án, đảm bảo tiến độ và chất lượng quy hoạch, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và hài hòa của đô thị Huế trong tương lai.
Ngày 1/1 vừa qua, TP. Huế cũng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam. TP. Huế trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là hơn 4.947km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng chính là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất Việt Nam.
>> Sắp có khu dự trữ thiên nhiên gần 20.000ha tại TP trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam