Thế giới

'Thành trì' của ông Trump chao đảo: 170.000 người trước nguy cơ mất việc, cả 1 ngành trị giá 32 tỷ USD có thể sụp đổ

Thiên Kim 20/02/2025 - 08:38

Bắc Carolina vốn là thành trì của ông Trump, nơi ông giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, 2020 và 2024. Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ cũng bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực của chính sách đóng băng USAID.

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump ngày 20/1 đã đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày nhằm ưu tiên “lợi ích của người Mỹ”.

Động thái này, cùng với các quyết định khác làm gián đoạn hàng trăm dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, đang gây ra những tác động sâu rộng đối với người lao động Mỹ.

Với mục tiêu cắt giảm chi tiêu lãng phí và hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài, quyết định này đã ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động Mỹ có công việc được USAID tài trợ.

Tại bang Bắc Carolina – một trong những nơi nhận nhiều ngân sách USAID nhất – tác động của việc đóng băng ngân sách trở nên rõ rệt. Các nhà thầu USAID tiết lộ, nhiều người đã bị sa thải hoặc tạm nghỉ việc mà không biết liệu họ có được thanh toán các khoản đã thực hiện hay không.

'Thành trì' của ông Trump chao đảo: 170.000 người trước nguy cơ mất việc, cả 1 ngành trị giá 32 tỷ USD có thể sụp đổ - ảnh 1
Ông Trump và Musk đóng băng 2,2 tỷ USD ngân sách USAID. Ảnh: Fox News

Không chỉ ảnh hưởng đến người lao động, quyết định này còn tác động đến nhiều ngành công nghiệp Mỹ, từ nông nghiệp, sản xuất nội thất đến hàng không và dược phẩm.

Theo quy định của USAID, một số danh mục mua sắm – từ thực phẩm, phương tiện, dược phẩm đến vé máy bay – phải ưu tiên nhà cung cấp trong nước.

Cả một ngành công nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề

Trước khi bị đóng băng ngân sách, USAID có khoảng 10.000 nhân viên, phần lớn dựa vào các nhà thầu để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc chính quyền cắt giảm tài trợ – cùng với tuyên bố gây tranh cãi của Elon Musk rằng ông “dành cả cuối tuần để ném USAID vào máy nghiền gỗ” – đã khiến hàng nghìn lao động Mỹ bị mất việc.

Công ty tư vấn y tế toàn cầu Molloy Consultants ước tính, ít nhất 12.700 nhân viên tại các công ty liên kết với USAID đã bị tạm nghỉ hoặc sa thải.

Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn chưa có phản hồi rõ ràng về tác động đối với người lao động. Ngoại trưởng Marco Rubio ngày 7/2 khẳng định: “Chúng tôi không có ý định gây xáo trộn đời sống cá nhân của mọi người” và phủ nhận đây là hành động trừng phạt.

Pete Marocco, phó Giám đốc USAID, tuyên bố việc tạm dừng tài trợ là cần thiết để tiến hành “đánh giá toàn diện” về hoạt động của cơ quan này.

Bắc Carolina – tâm điểm ảnh hưởng

Tại Bắc Carolina – bang nhận hơn 2,2 tỷ USD ngân sách USAID, đứng thứ 5 trên toàn nước Mỹ – tác động của việc đóng băng ngân sách là ngay lập tức.

Brianna Clarke-Schwelm, CEO Liên minh Y tế Toàn cầu Bắc Carolina, cho biết: “Tôi sẽ nói thẳng, việc này là một thảm họa. Chúng tôi đã chứng kiến làn sóng sa thải trên diện rộng, hàng trăm người đã mất việc”.

'Thành trì' của ông Trump chao đảo: 170.000 người trước nguy cơ mất việc, cả 1 ngành trị giá 32 tỷ USD có thể sụp đổ - ảnh 2
Một nhân viên gỡ bỏ biển báo tại trụ sở của USAID ở Washington DC sau khi Tổng thống Donald Trump và Elon Musk đột ngột đóng băng cơ quan này. Ảnh: Kayla Bartkowski

Bắc Carolina vốn là thành trì của ông Trump, nơi ông giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, 2020 và 2024. Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ cũng bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực của chính sách này.

Theo báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, vùng đô thị Raleigh-Durham của bang này là nơi đặt trụ sở của 2 trong 6 tổ chức nhận nhiều ngân sách USAID nhất từ năm 2013 đến 2022.

FHI 360, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Durham, nhận 3,79 tỷ USD trong giai đoạn này. Ngày 6/2, tổ chức này tuyên bố sẽ cho 36% nhân viên tại Mỹ tạm nghỉ, trong đó có 200 người ở Bắc Carolina.

Trong khi đó, viện nghiên cứu RTI International tại Công viên Tam giác Nghiên cứu nhận 2,31 tỷ USD. Một tuần sau, họ thông báo việc sa thải tạm thời đối với 226 nhân viên, bao gồm 61 người tại Bắc Carolina.

Nhiều nhà thầu lớn như Chemonics và DAI cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chemonics đã cho 600 nhân viên nghỉ việc tạm thời và giảm giờ làm của 300 người khác, trong khi DAI sa thải 380 nhân viên – chiếm 60-70% lực lượng lao động của công ty.

Lĩnh vực y tế toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Bắc Carolina, hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực.

Ngành này giúp tạo ra khoảng 170.000 việc làm và đóng góp gần 32 tỷ USD vào GDP bang này (tương đương 4% tổng GDP), theo báo cáo năm 2022 của Liên minh Y tế Toàn cầu Bắc Carolina.

'Thành trì' của ông Trump chao đảo: 170.000 người trước nguy cơ mất việc, cả 1 ngành trị giá 32 tỷ USD có thể sụp đổ - ảnh 3
Ảnh minh họa. Nguồn: BI

Làn sóng kiện tụng và bất ổn tiếp diễn

Việc đóng băng ngân sách USAID cũng ảnh hưởng đến các trường đại học của bang, bao gồm hệ thống Đại học Bắc Carolina (UNC), Đại học Bang Bắc Carolina (NC State), Đại học Bắc Carolina A&T và Đại học Duke.

Hiện tại, UNC đã nhận được 10 lệnh tạm dừng công việc từ USAID, bao gồm 3 dự án mà trường là bên nhận tài trợ trực tiếp và 7 dự án khác mà trường là bên liên kết.

Ngày 11/2, các tổ chức như Chemonics, DAI và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ Quốc tế đã nộp đơn kiện chính quyền của ông Trump nhằm thách thức lệnh đóng băng ngân sách. Hai ngày sau, một thẩm phán liên bang tại Washington DC đã ra lệnh cấm tạm thời, yêu cầu chính quyền phải nối lại tài trợ trong vòng 5 ngày.

Dù vậy, sự bất ổn vẫn tiếp diễn. Các tổ chức USAID cho biết họ vẫn chưa rõ liệu những hóa đơn từ 2 tháng cuối năm ngoái và tháng 1 năm nay có được thanh toán hay không. Một số tổ chức đang cho nhân viên tạm nghỉ đơn giản vì họ không có tiền để trả lương.

Nhiều nhân viên bị sa thải phản đối ý kiến cho rằng USAID lãng phí ngân sách. “Chúng tôi là một trong những tổ chức được kiểm toán nghiêm ngặt nhất. Giám sát và đánh giá là một phần quan trọng của mọi dự án”, một nhân viên USAID bị tạm nghỉ khẳng định.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, cựu quản trị viên USAID Andrew Natsios dự báo 90% các tổ chức phi Chính phủ (NGO) và nhà thầu liên quan đến USAID có thể ngừng hoạt động trong vòng 1 tháng tới.

Theo Business Insider

>> Đảng Cộng hòa nỗ lực cứu vãn chương trình viện trợ lương thực 1,8 tỷ USD sau khi USAID bị đóng cửa

LHQ sa thải hàng nghìn nhân viên sau khi Mỹ 'đóng băng' viện trợ nước ngoài

Chưa từng có trong lịch sử: Hơn 40.000 công chức Mỹ xin thôi việc, ông Trump gặp khó

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thanh-tri-cua-ong-trump-chao-dao-170000-nguoi-truoc-nguy-co-mat-viec-ca-1-nganh-tri-gia-32-ty-usd-co-the-sup-do-137107.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Thành trì' của ông Trump chao đảo: 170.000 người trước nguy cơ mất việc, cả 1 ngành trị giá 32 tỷ USD có thể sụp đổ
    POWERED BY ONECMS & INTECH