Thay đồng tiền mới và ấn định lãi suất cơ bản 20%, một quốc gia 'dẹp nạn' siêu lạm phát chỉ trong 100 ngày
Trước mắt Zimbabwe vẫn phải giải quyết nhiều thách thức để đạt được ổn định kinh tế.
Ông John Mushayavanhu, Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Zimbabwe, đã làm được điều dường như không thể trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm - tạo ra đồng tiền ổn định và kiềm chế áp lực giá cả ở một quốc gia từng nổi tiếng về siêu lạm phát  và tiền tệ mất giá.
Những nỗ lực của ông nhận được cả sự nhiệt tình lẫn hoài nghi. Một đội ngũ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF ) đã đến thăm Zimbabwe vào tháng trước.
Họ ca ngợi việc Thống đốc giới thiệu đồng ZiG (viết tắt của Zimbabwe Gold), qua đó chấm dứt tình trạng bất ổn của tiền tệ.
Moneyweb đưa tin, ông đã công bố đồng ZiG và ấn định lãi suất chính sách ở mức 20% một tuần sau khi nhậm chức, đánh dấu bước ngoặt mới trong nhiệm kỳ của mình.
Đồng ZiG - nỗ lực thứ 6 của quốc gia nhằm có một đồng nội tệ hoạt động trong 15 năm qua - đã thay thế đồng ZWL, vốn mất 80% giá trị so với đồng bạc xanh vào năm 2024.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới của Zimbabwe, ông John Mushayavanhu. Ảnh: Getty Images |
Được biết sự sụt giảm nhanh chóng của đồng ZWL khiến người dân địa phương bán tháo nó để chuyển sang đồng USD, hiện được dùng trong hơn 80% giao dịch.
Kể từ khi ra mắt, đồng ZiG tương đối ổn định và giúp kiềm chế lạm phát hàng tháng, một phần nhờ chính sách không khoan nhượng của Mushayavanhu đối với thị trường chợ đen - bị cho là nguyên nhân gây ra tình trạng đầu cơ.
Sau chính sách mới, các cơ quan thực thi pháp luật đã bắt giữ hàng loạt các nhà buôn bán ngoại tệ trên đường phố.
Đầu tuần này, Tổng thống Zimbabwe là ông Emmerson Mnangagwa cho biết đồng ZiG thậm chí có thể nhanh chóng trở thành đồng tiền hợp pháp duy nhất trong vòng 2 năm.
Nhưng điều này lại có nguy cơ gây rủi ro cho việc sử dụng đồng USD trước thời hạn năm 2030 khi hệ thống đa tiền tệ hiện tại kết thúc.
Theo Moneyweb, nguồn cung tiền eo hẹp đã được phản ánh trên chỉ số chứng khoán Harare khi chỉ số này chỉ tăng 45% kể từ khi được chuyển đổi sang ZiG, trái ngược với mức tăng hơn 300% đạt được trong quý đầu năm 2024.
Dù vậy, ông Mushayavanhu vẫn cam kết tuân theo chính sách tiền tệ chính thống và tránh in thêm tiền - điều đã gây ra nhiều vấn đề cho những người tiền nhiệm của ông.
Chưa có kết luận cuối cùng
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tiền tệ lại tỏ ra hoài nghi hơn.
Đồng ZiG tương đối ổn định kể từ khi ra mắt, giúp giảm lạm phát hàng tháng. Ảnh: Moneyweb |
Ông Lloyd Mlotshwa, Giám đốc nghiên cứu tại công ty môi giới IH Securities bình luận: “Trong khi ông Mushayavanhu đã có những tiến bộ vững chắc trong việc đạt được các mục tiêu về ổn định tỷ giá hối đoái, giảm lạm phát và duy trì hoạt động của đồng nội tệ thì vẫn chưa thể chắc chắn nó sẽ kéo dài bao lâu”.
Thêm vào đó, quốc gia giàu tài nguyên này đang phải đối mặt với đợt hạn hán do hiện tượng El Niño gây ra, làm hạn chế sản lượng nông nghiệp và gia tăng nhập khẩu. Họ cũng phải đối phó với giá hàng hóa thấp hơn.
Ông Mlotshwa nhận xét, sự kết hợp này có thể tác động đến tính sẵn có của đồng nội tệ, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định của đồng tiền này.
Phòng Thương mại Quốc gia Zimbabwe cũng cho rằng vẫn còn sớm để ăn mừng.
Nhà bán lẻ lớn nhất của nước này - OK Zimbabwe - từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng bất ổn tiền tệ trong quá khứ. Do đó, họ đang đánh giá tác động của đồng ZiG đối với hoạt động của mình.
Vào ngày 27/6, công ty thông báo rằng cho đến nay, “việc thu gom ngoại tệ đã giảm để chuyển sang ZiG”. Gã khổng lồ bán lẻ này dự đoán "sẽ có sự tăng trưởng về khối lượng" trong năm nay.
Nhưng Phó Thống đốc Innocent Matshe khẳng định Ngân hàng Trung ương sẽ cam kết đi theo con đường chính sách tiền tệ chính thống.
Ông Matshe nói trong một cuộc phỏng vấn: “Thống đốc rất nghiêm túc trong việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và đưa Ngân hàng Trung ương trở lại vị thế vốn có”.
Theo Moneyweb
>> Chưa từng có trong lịch sử: Nhật Bản tạo nên 'cú hích' với tiền giấy 3D đầu tiên trên thế giới