Luật quan hệ đối ngoại là vũ khí pháp lý mới nhất của Bắc Kinh chống lại các lệnh trừng phạt và sự can thiệp từ bên ngoài.
Tân Hoa Xã đưa tin, Luật Quan hệ đối ngoại của Trung Quốc vừa được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2023. Bộ luật có 6 chương, 45 điều, trình bày một cách toàn diện tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc tôn chỉ, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời đưa ra các quy định cụ thể về phân chia quyền hạn, cơ chế và quy tắc phát triển quan hệ đối ngoại của nước này.
Đây là bộ luật đầu tiên trong lĩnh vực này và được đánh giá là nhằm khắc phục những “kẽ hở pháp luật” về đối ngoại trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với những thách thức mới trong quan hệ đối ngoại.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực tăng cường luật pháp trong lĩnh vực đối ngoại. Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: Luật Quan hệ đối ngoại là bộ luật cơ bản liên quan đến đối ngoại đầu tiên đưa ra các quy định tổng thể về phát triển quan hệ đối ngoại kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tập trung vào phương châm chính sách, nguyên tắc lập trường và hệ thống thể chế của các hoạt động đối ngoại nước này. Bộ luật được ban hành là một dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đối ngoại của Trung Quốc.
Trong ba năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt quy định nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bao gồm Luật chống các lệnh trừng phạt nước ngoài năm 2021, sau khi Mỹ sử dụng luật pháp trong nước để kiềm chế Trung Quốc thông qua chiến tranh thương mại và kiểm soát xuất khẩu kể từ năm 2016.
Theo các nhà quan sát, với trọng tâm đặc biệt là an ninh quốc gia và chống lại tình trạng quyền tư pháp theo kiểu "cánh tay nối dài", Luật Quan hệ Đối ngoại mới được kỳ vọng sẽ giúp Bắc Kinh tạo ra hành lang pháp lý để đối phó lại với các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn các hành động khiêu khích trong tương lai.
Ông Wang Jiangyu, Giáo sư tại Trường Luật tại Đại học tại Hồng Kông nhận định, không giống như luật chống trừng phạt, Luật Quan hệ Đối ngoại sẽ đóng vai trò là một luật bao trùm và góp phần điều chỉnh hoạt động đối ngoại của Trung Quốc ở mọi khía cạnh.
"Điều này cho thấy rằng Trung Quốc đang trong quá trình cố gắng hợp pháp hóa các hoạt động ngoại giao và quan hệ đối ngoại. Mặt khác, nó cũng phản ánh ý chí của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia", chuyên gia này nói thêm.
Luật mới quy định rằng hoạt động ngoại giao của Trung Quốc phải được tiến hành dưới sự dẫn dắt của hệ tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, được gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới và phù hợp với Hiến pháp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Luật quy định rằng Trung Quốc “duy trì hòa bình, an ninh thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung toàn cầu". Đồng thời, luật này cũng ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình và phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ngoài việc tăng cường các quy tắc quản lý các lĩnh vực liên quan đến nước ngoài, luật quy định rằng nhà nước cũng phải “thực hiện nghĩa vụ của mình một cách thiện chí” theo các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Trung Quốc tham gia phù hợp với hiến pháp và pháp luật”.
"Đây là luật về đối ngoại toàn diện đầu tiên, nhưng nó giống như tuyên bố chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình", ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung - Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel thuộc Đại học Denver ở Mỹ đánh giá và nhấn mạnh, Luật mới có quy mô rộng hơn và toàn diện hơn luật chống trừng phạt vốn chỉ tập trung vào các biện pháp trừng phạt và các biện pháp trả đũa hợp pháp hóa như từ chối cấp thị thực và đóng băng tài sản của một cá nhân. Để chống lại sự kiềm chế của phương Tây, ông Tập đã cố gắng huy động mọi thứ sẵn có, trong đó có công cụ pháp lý".
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại rằng luật mới cũng có thể làm căng thẳng thêm cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh của Bắc Kinh với Washington, và khiến các công ty nước ngoài khó hoạt động hơn ở Trung Quốc. Trên thực tế, các quan chức và báo chí Trung Quốc không ngần ngại khẳng định Luật quan hệ đối ngoại mới là cách Bắc Kinh phản ứng trước các lệnh trừng phạt đa phần từ Mỹ và phương Tây.
Trao đổi với SCMP, ông George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford đã bày tỏ lo ngại rằng luật này có thể bị phương Tây coi là một phần trong chính sách ngoại giao hiếu chiến của Bắc Kinh, làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
5 sự kiện ‘thiên nga đen’ được dự đoán sẽ gây đảo lộn thị trường tài chính toàn cầu năm 2025