Thầy giáo đặc biệt nhất Việt Nam: 25 tuổi dạy 6 học trò là những vị tướng lừng danh của Quân đội, từng 3 lần được gặp mặt Bác Hồ
Ông là người đã trực tiếp giảng dạy cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào và một số vị tướng lớn khác.
Đại tá Doãn Mậu Hòe sinh năm 1934 tại vùng quê nghèo Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha và hai người anh của ông đều tham gia Mặt trận Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Nhật. Thuở nhỏ, nhờ được học chữ, ông thường được người dân trong làng nhờ dạy kèm cho các em nhỏ. Chính từ đó, ước mơ trở thành thầy giáo  bắt đầu hình thành trong ông. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước chìm trong chiến tranh, khát vọng cầm súng bảo vệ quê hương cũng dâng trào mạnh mẽ trong chàng thành niên trẻ.
Năm 1949, khi mới 17 tuổi và còn đang học THPT (ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), theo tiếng gọi của Tổ quốc, Doãn Mậu Hòe đã xung phong lên đường chiến đấu chống quân thù. Ông tham gia bộ đội, chiến đấu tại các chiến trường miền Nam . Năm 1954, ông theo đoàn quân tập kết ra Bắc và công tác tại Trung đoàn 108, thuộc Sư đoàn 305. Năm 1958, ông được điều động về Tổng cục Chính trị, đồng thời tham gia khóa bồi dưỡng giáo viên tại trường Nguyễn Văn Trỗi (Bộ Quốc phòng) và tiếp tục học tập tại trường Văn hóa Quân khu 5 cùng trường Quân sự Quân khu 5.
Trong thời gian công tác và học tập tại miền Bắc, thầy Doãn Mậu Hòe ba lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên, vào năm 1958 khi Bác đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lần thứ hai, vào năm 1962 khi Bác nói chuyện với các cán bộ trung, cao cấp tại Tổng cục Chính trị. Lần thứ ba diễn ra vào một đêm chủ nhật năm 1964, khi Bác đến thăm một đơn vị văn công gần khu vực Cầu Giấy. Trong ba lần gặp gỡ, thầy Hòe đặc biệt ấn tượng với lần đầu tiên, vì đó là một sự bất ngờ lớn và thầy cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được đứng gần bên Bác.
Sau ba lần vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh , Đại tá Doãn Mậu Hòe luôn khắc ghi những lời dặn dò của Bác. Trong cuộc trò chuyện với Báo Dân trí vào năm 2015, thầy Hòe đã nhớ lại lưu loát những lời Bác căn dặn: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là những người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương này khác, nhưng những người thầy giáo là những anh hùng vô danh.
Bác còn nhấn mạnh: “Có ba hạng người luôn được mang ơn và kính trọng. Một là các thầy/cô giáo dạy con em mình học, hai là thầy thuốc chữa bệnh cho con em mình và nhân dân, thứ ba là người cho mình mượn tiền gạo lúc khó khăn túng thiếu! Ba hạng người đó đều được tôn vinh. Hôm nay các cháu đang là sinh viên, ngày mai là giáo viên, là người ‘kỹ sư tâm hồn’. Vì thế, đã là người thầy thì phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thầy dạy phải hơn trò về chữ và nghĩa, biết thương yêu học sinh, phải biết yêu người, yêu nghề, thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Khi ra trường, các cô, chú phải quan hệ thật tốt với xã hội!”
Từng chia sẻ với Báo Pháp luật TP.HCM, Đại tá Doãn Mậu Hòe cho biết, vào năm 1957, ông được Tổng cục Chính trị cử tham gia lớp bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa. Sau khi hoàn thành khóa học với tấm bằng loại giỏi, ông được phân công giảng dạy bổ túc văn hóa cho các đồng chí tại Tổng cục Chính trị, Hậu cần và Tham mưu.
Trong quá trình giảng dạy, Tổng cục Chính trị thông báo sẽ tuyển chọn hai giáo viên xuất sắc nhất trong gần 40 người để dạy văn hóa cho sáu vị tướng: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt. Cuộc tuyển chọn này thu hút nhiều ứng viên xuất sắc, bao gồm cả những người có học hàm, học vị cao và vừa hoàn thành các khóa du học nước ngoài.
Kết quả, ông được Tổng cục Chính trị lựa chọn để phụ trách hai môn lý và hóa, cùng một giáo viên khác dạy toán cho sáu vị tướng tại nhà riêng. Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM, ông Hòe cho biết: “Khi biết mình được chọn làm giáo viên cho các vị tướng, tôi vừa mừng vừa run. Lúc đó tôi chỉ là một anh lính 25 tuổi, mang quân hàm thượng úy, còn họ đã là những tướng lĩnh nổi tiếng, chỉ huy hàng ngàn người. Trước mặt thủ trưởng, liệu tôi có đủ can đảm đứng lớp…”.
Sau một đêm trằn trọc, ông quyết định mang giáo án đến lớp nhận học trò. Buổi học đầu tiên diễn ra tại nhà riêng của Thiếu tướng Phạm Kiệt, số 116 Lý Nam Đế, Hà Nội, với đầy đủ sáu “ông học trò” mang quân hàm cấp tướng. Trong lần đầu đứng lớp, ông không khỏi lúng túng, chưa biết cách xưng hô sao cho phù hợp.
Ông Hòe nhớ lại: “Mở đầu, tôi nói: ‘Mời sáu thủ trưởng mở sách vở chép bài, chúng ta bắt đầu buổi học’. Giọng tôi run run, khiến các vị học trò phía dưới tủm tỉm cười. Thấy tôi lúng túng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất: ‘Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh. Còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí’. Từ đó, tôi mới mạnh dạn xưng hô, và công việc đứng lớp diễn ra suôn sẻ”.
Đại tá Doãn Mậu Hòe kể rằng mỗi vị tướng - học trò đều có những đức tính riêng, nhưng điểm chung là sự kiên trì học hỏi. Dù bận rộn với việc quân và việc nước, họ vẫn dành thời gian để làm bài tập về nhà, đọc sách và tìm kiếm tài liệu đầy đủ theo yêu cầu của giáo viên. “Chỉ vì hoàn cảnh chiến tranh, đạn lửa mà các ông ấy phải dở dang đường học vấn, mình càng thương, càng quý họ hơn” - ông Hòe chia sẻ.
Trong suốt cuộc đời, Đại tá Doãn Mậu Hòe đã vừa làm người lính, vừa cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Khi nghỉ hưu, ông vẫn giữ trọn tâm nguyện chăm lo cho công tác khuyến học tại địa phương nơi Đại tá sinh sống. Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng , ông là người đề xuất sáng kiến thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến.
Sau đó, khi đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, Đại tá Hòe vẫn không quản ngại đường xá xa xôi, đi hàng chục cây số giữa nhà và trụ sở Hội để góp sức vận động học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, đồng thời khích lệ những học sinh giỏi, có tài năng. Ông còn đều đặn dành dụm lương hưu để đóng góp vào quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài.
Chia sẻ với Báo Dân trí, vợ của ông cho biết: “Mãi đến năm 2015, khi đã ngoài 80 tuổi, tay chân run rẩy, không đi xe đạp được nữa, cần nghỉ ngơi và chăm sóc y tế thường xuyên, ông mới xin thôi công tác ở Hội Khuyến học. Thế nhưng mỗi khi nhắc đến học trò hay nói chuyện về khuyến học, ông như quên hết việc mình vừa trải qua một đợt ốm nặng".
“Gần 60 năm làm bạn đời của ông ấy, chính tôi và các con vẫn luôn coi ông là người thầy để noi theo, bởi lối sống mực thước, giản dị” – bà tự hào chia sẻ.
Tháng 6/2023, Đại tá Doãn Mậu Hòe từ trần, hưởng thọ 89 tuổi. Trong suốt sự nghiệp của mình, thầy giáo Đại tá Doãn Mậu Hòe dành được nhiều hân chương, giải thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
*Tổng hợp