Câu chuyện đầu tư

Thế giới Di động (MWG): Thoát mác ‘cửa hàng tạp hóa’, chiến lược cộng sinh cùng các công ty tài chính có mang lại bước đột phá?

Ánh Nguyệt 11/12/2024 07:31

Thế giới Di động là doanh nghiệp tiên phong trong việc nắm bắt xu hướng mới cũng như thử nghiệm mô hình kinh doanh sáng tạo để thúc đẩy doanh thu. Liệu chiến lược hợp tác cùng các công ty tài chính có giúp MWG tạo bước đột phá trong ngành bán lẻ?

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam ghi dấu ấn với chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và nhà thuốc An Khang.

Trước tham vọng dẫn đầu thị trường bán lẻ, Thế giới Di động không ngừng thực hiện các mô hình kinh doanh mới nhằm thoát mác “cửa hàng tạp hóa” cũng như gối đầu tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông lớn bán lẻ này đang phải đối mặt với bài toán tái cấu trúc khi nhiều lĩnh vực kinh doanh chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Những năm tháng hoàng kim

Khởi nguồn từ một cửa hàng nhỏ tại quận 3, TP. HCM vào năm 2005, Thế giới Di động nhanh chóng vươn mình nhờ cơ hội "thiên thời, địa lợi". Đến cuối năm 2009, doanh nghiệp đã sở hữu 38 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 19 siêu thị tại TP. HCM, 5 siêu thị ở Hà Nội, 2 siêu thị tại Đà Nẵng và 12 siêu thị tại các tỉnh thành khác. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu bước khởi đầu cho chiến lược mở rộng thần tốc, định hình vị thế của "đế chế" Thế giới Di động trong ngành bán lẻ.

Giai đoạn 2011-2013, khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, MWG vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành một hiện tượng hiếm có trong ngành bán lẻ. Từ năm 2011 đến năm 2015, doanh thu của MWG đã tăng gấp 4,7 lần lên 25.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng vọt từ 156 tỷ đồng lên 1.075 tỷ đồng, gấp 7 lần.

Bên cạnh đó, Thế giới Di động cũng ghi dấu ấn lớn khi chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với mã chứng khoán MWG vào năm 2014. Một năm sau đó, doanh nghiệp bắt đầu thử sức với ngành hàng thực phẩm tiêu dùng cùng cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên vào tháng 11/2015. Đến tháng 3/2018, Thế giới Di động đã tiến hành mua lại 40% vốn chuỗi dược phẩm Phúc An Khang rồi đổi tên thành nhà thuốc An Khang.

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 "đánh gục" nhiều doanh nghiệp, MWG vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, vào năm 2021, công ty đạt doanh thu kỷ lục 122.958 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.901 tỷ đồng.

>> “Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa: Chuỗi nhà thuốc An Khang – Khi lợi nhuận đặt trên sức khoẻ

Thoát xác mô hình ‘cửa hàng tạp hóa’, Thế giới Di Động (MWG) biến 3.000 cửa hàng thành cây ATM, bước thử nghiệm lớn trên hành trình tìm lại ánh hào qu
Nguồn: Tự tổng hợp

“Trái đắng” từ những trải nghiệm

Trong bối cảnh lĩnh vực cốt lõi là điện thoại và điện máy có dấu hiệu chững lại, MWG đã nắm bắt xu hướng và thử sức cùng các mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, không ít lần doanh nghiệp này phải "nếm trái đắng" từ những thử nghiệm táo bạo này.

Hồi đầu năm 2022, MWG ra mắt 5 chuỗi bán lẻ gồm AVAFashion (thời trang), AVASport (đồ thể thao), AVAKids (mẹ và bé), AVAJi (đồng hồ, trang sức) và AVACycle (xe đạp). Nhưng chỉ sau nửa năm, 2 chuỗi AVAFashion và AVAJi đã phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Tương tự, chuỗi AVASport cũng bị thu hẹp trong năm 2023 để giảm gánh nặng tài chính. Trước đó, MWG từng đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui.com vào cuối năm 2018 và chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ vào năm 2020.

Những thất bại liên tiếp này phản ánh sự khó khăn trong việc mở rộng hoạt động ngoài lĩnh vực cốt lõi. Ban lãnh đạo MWG từng khẳng định việc "mở nhanh, đóng vội" là một phần trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên, những thử nghiệm không thành công cũng khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt và đặt ra áp lực tái cấu trúc.

Thoát xác ‘cửa hàng tạp hóa’, Thế giới Di động (MWG) biến 3.000 cửa hàng thành cây ATM, bước thử nghiệm lớn trên hành trình tìm lại ánh hào qu
MWG biến hơn 3.000 cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc thành các điểm giao dịch tài chính tiện lợi, hoạt động như những "cây ATM"

Nước đi mới có tạo nên sự đột phá?

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, Thế giới Di động đã phải đối mặt với khó khăn lớn do tác động của nền kinh tế hậu Covid-19. Từ đỉnh lợi nhuận 4.901 tỷ đồng vào năm 2021, con số này giảm còn 4.101 tỷ đồng vào năm 2022 và tụt xuống chỉ còn 168 tỷ đồng trong năm 2023.

Trước tình hình này, buộc doanh nghiệp phải có hướng đi mới bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện "giảm lượng, tăng chất" như tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, cắt giảm nhân sự, giảm quy mô cửa hàng và tung ra nhiều chính sách nhằm giữ chân khách hàng. Những nỗ lực này bước đầu mang lại kết quả tích cực với doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 đạt 99.767 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 806 tỷ đồng, tăng gấp 20,7 lần.

Bên cạnh đó, MWG còn tận dụng mối quan hệ cộng sinh với các công ty tài chính để triển khai các chiến lược sáng tạo. Một trong những sáng kiến nổi bật là phương thức “Mua trả chậm - Lấy xài liền - Tiền trả sau”, mang đến sự linh hoạt cho người tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu mua sắm.

Gần đây, MWG còn công bố một bước đi táo bạo khi biến hơn 3.000 cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc thành các điểm giao dịch tài chính tiện lợi, hoạt động như những "cây ATM". Đây là kết quả của sự hợp tác với VPBank nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng như nạp, rút, chuyển tiền, mở tài khoản VPBank NEO và phát hành thẻ tín dụng. Điểm đặc biệt là dịch vụ này hoạt động từ 8h sáng đến 22h tối, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các dịch vụ tài chính truyền thống vốn giới hạn về thời gian và địa điểm.

Với hệ thống cửa hàng trải dài khắp cả nước, chiến lược này không chỉ giúp MWG nâng cao tần suất khách hàng lớn ghé thăm cửa hàng mà còn tiếp cận được những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn còn hạn chế. Điều này không chỉ nâng cao doanh số bán hàng mà còn xây dựng một hệ sinh thái tích hợp, tăng tính gắn kết giữa khách hàng với thương hiệu.

>> Từ 4/12: Hơn 3.000 cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy Xanh sẽ hoạt động như cây ATM, khách chỉ cần CCCD để nạp, rút, chuyển tiền

Ông Nguyễn Đức Tài: Thế giới Di động (MWG) đã lỡ 'chuyến tàu' 10 tỷ USD 3-4 năm rồi

Thế giới Di động (MWG): Khoản trái phiếu đầu tư từng khiến cổ đông thắc mắc, sinh lợi đột biến sau hai năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-gioi-di-dong-mwg-thoat-mac-cua-hang-tap-hoa-chien-luoc-cong-sinh-cung-cac-cong-ty-tai-chinh-co-mang-lai-buoc-dot-pha-264751.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thế giới Di động (MWG): Thoát mác ‘cửa hàng tạp hóa’, chiến lược cộng sinh cùng các công ty tài chính có mang lại bước đột phá?
    POWERED BY ONECMS & INTECH