Thẻ tín dụng - những 'bài học' nên biết sau vụ Eximbank tính lãi 'khủng': Nợ 8,5 triệu gánh 8,8 tỷ

19-03-2024 21:19|Chi Hạ

Người dùng "méo mặt" với số tiền lãi khổng lồ của thẻ tín dụng do quên trả nợ hoặc không trả hết nợ đúng hạn.

Thẻ tín dụng (credit card) là một loại thẻ ngân hàng cho phép người sở hữu dùng để thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Nói cách khác, người dùng sẽ “mượn” ngân hàng một số tiền để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ cho ngân hàng.

Thẻ tín dụng khá tiện dụng khi cho phép người sở hữu tiêu dùng trước, trả tiền sau, kèm theo đó rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm theo nhiều rủi ro, kéo người dùng vào "hố đen" nợ nần.

Vì sao người dùng dễ sa vào "bẫy" thẻ tín dụng?

Chi tiêu quá nhiều: Thẻ tín dụng thưởng cấp hạn mức cao hơn nhiều so với mức lương hàng tháng. Do đó, nhiều chủ thẻ có thói quen liên tục quẹt thẻ để thanh toán và tiêu xài quá độ, mất kiểm soát. Điều này dẫn đến việc chủ thẻ không có đủ khả năng trả nợ khi đến kỳ thanh toán.

Không chú ý kỳ hạn thanh toán: Nhiều người dùng thường chủ quan do kỳ hạn thanh toán các khoản vay tín dụng còn dài. Vì vậy, họ ít khi để ý đến thời điểm phải trả nợ và không lường trước được các khoản phạt, lãi suất của khoản nợ đó.

Cộng dồn các khoản trả góp: Trả góp là một cách thanh toán vô cùng tiện lợi khi mua các món đồ có giá trị cao. Khi thanh toán trả góp qua thẻ tín dụng, người dùng cũng được áp dụng nhiều ưu đã như hoàn tiền hoặc hưởng lãi suất 0%. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chủ thẻ dễ rơi vào tình trạng trả góp nhiều thứ cùng lúc qua thẻ tín dụng.

>> Góc nhìn luật sư vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank đến 8,8 tỷ (tiếp): Ngân hàng không được 'siết' tài sản cá nhân khác

Bài học rút ra từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ
Người dùng dễ sa vào cái "bẫy" của thẻ tín dụng

Làm thế nào để tránh các khoản nợ thẻ tín dụng?

Chú ý thời hạn trả nợ, thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn: Tại Việt Nam, các ngân hàng thường áp dụng chính sách miễn lãi 45 ngày cho người sử dụng thẻ tín dụng. Trong khoảng thời gian này, chủ thẻ có thể chi tiêu từ thẻ tín dụng mà không cần trả bất kỳ một khoản chi phí nào.

Thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng được tính từ ngày chốt sao kê của tháng trước đến ngày chốt sao kê của tháng sau (30 ngày), và cộng thêm thời gian ân hạn là 15 ngày. Thời gian ân hạn là khoảng thời gian mà ngân hàng gia hạn thêm để chủ thẻ cân đối và thu xếp tài chính nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nếu trong khoảng thời gian này trả đủ số dư nợ thì toàn bộ giao dịch phát sinh sẽ không bị tính lãi.

Số ngày miễn lãi được tính từ thời điểm giao dịch đầu tiên cho đến ngày ân hạn cuối cùng. Vì vậy, nếu chủ thẻ chi tiêu càng gần ngày hết hạn miễn lãi thì áp lực trả nợ càng cao.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian được miễn lãi, chủ thẻ không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng dụng quá hạn. Nếu người dùng quá hạn thanh toán dù 1 ngày vẫn sẽ bị tính phạt. Phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất vào khoảng 20-45% tuỳ từng ngân hàng.

>> 5 mẹo để biết mình không vô tình bị vấp bẫy thẻ tín dụng 'kiểu Eximbank'

Không sử dụng quá nhiều thẻ tín dụng: Khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng sẽ phải để ý nhiều thông tin như ngày đến hạn thanh toán, chi phí định kỳ của thẻ, hạn mức chi tiêu, v.v. Việc ghi nhớ tất cả thông tin quan trọng của từng loại thẻ sẽ gây khó khăn hơn trong việc quản lý. Ngoài ra, người dùng cũng phải cân đối tài chính cá nhân để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn cho từng loại thẻ đang sở hữu. Do đó, chủ thẻ chỉ nên sử dụng từ 1 đến 2 loại thẻ tín dụng để tránh tình trạng nợ nần.

Để ý các thông báo, nhắc nhở từ ngân hàng: Cách hiệu quả nhất để không quên thanh toán dư nợ thẻ tín dụng là đăng ký nhận thông báo từ ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng đều có bộ phận thu hồi nợ thông qua nhiều hình thức như thu hồi nợ qua điện thoại, thu hồi nợ trực tiếp.

Khi khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ thường xuyên gửi thông báo nhắc nhở qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu nguyên nhân và đề nghị chủ thẻ thanh toán nợ tín dụng. Ngoài ra, chủ thẻ cũng có thể chủ động cài đặt tính năng tự động thanh toán trên eBanking của các ngân hàng để không bị "lỡ" hạn thanh toán.

Bài học rút ra từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ
Thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng đúng hạn

Cách kiểm tra điểm tín dụng cá nhân

Để kiểm tra bản thân có bị nợ xấu hay không cũng như kiểm tra điểm tín dụng của mình, người dùng có thể sử dụng công cụ trên CIC. Để đăng ký, người dùng truy cập vào website chính thức của CIC, hoặc App CIC Credit Connect và tiến hành đăng ký tài khoản bằng cách nhấn vào mục Đăng ký. Sau đó, người dùng nhập tất cả các thông tin cá nhân của mình theo biểu mẫu, bao gồm họ tên, ngày sinh, số CMND, số điện thoại, ảnh CMND/CCCD,…

Bài học rút ra từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ
Website Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam

Báo cáo Thông tin tín dụng khách hàng vay cá nhân sẽ bao gồm các thông tin như: Thông tin quan hệ tín dụng hiện tại (số tiền vay và bên cho vay), thông tin lịch sử nợ xấu trong 5 năm gần nhất, thông tin về bảo đảm tiền vay, thông tin điểm tín dụng.

Xếp hạng tín dụng cá nhân của CIC có 5 mức: Rất tốt, Tốt, Trung bình, Dưới trung bình, Xấu.

Điểm tín dụng được đánh giá trên toàn bộ dữ liệu quan hệ tín dụng của khách vay tại thời điểm cuối tháng gần nhất so với thời điểm chấm. Điểm tín dụng được CIC cập nhật định kỳ hàng tháng theo biến động thông tin của khách vay.

Nếu phát hiện thông tin bị sai sót, khách hàng phản ánh với CIC qua Tổng đài hoặc chuyên mục "Khiếu nại/phản hồi".

Nếu sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu, CIC có trách nhiệm điều chỉnh sai sót và thông báo kết quả cho khách hàng.

Nếu thông tin sai sót tại TCTD báo cáo thông tin, cán bộ sẽ hướng dẫn khách hàng làm việc với TCTD có liên quan để xác minh, giải đáp. Trường hợp xác định có sai sót, Tổng Giám đốc TCTD hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị CIC cập nhật, điều chỉnh thông tin đúng.

>> Vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank phải trả 8,8 tỷ: Người đại diện lên tiếng, hai bên bắt đầu làm việc

Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, giải mã 'sức mạnh' của lãi kép

10 điều bạn cần biết về thẻ tín dụng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-tin-dung-nhung-bai-hoc-nen-biet-sau-vu-eximbank-tinh-lai-khung-no-85-trieu-ganh-88-ty-226883.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thẻ tín dụng - những 'bài học' nên biết sau vụ Eximbank tính lãi 'khủng': Nợ 8,5 triệu gánh 8,8 tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH