Thêm quốc gia Nam Mỹ thông báo sắp gia nhập BRICS
Phó Tổng thống Venezuela cho biết, nước này mong muốn sớm trở thành thành viên của BRICS trong bối cảnh việc hình thành một trật tự thế giới mới đang ở thời điểm bước ngoặt.
Trong bài phát biểu tại cuộc hội thảo thảo kinh tế quốc tế ở Caracas ngày 21/6, Phó Tổng thống Venezuela  Delcy Rodriguez thông báo, Venezuela đang tiến gần việc gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và sẵn sàng cung cấp tài nguyên nhiên liệu, khoáng sản cho các đối tác trong tương lai.
Bà Rodriguez nêu rõ: "Venezuela có lượng nhiên liệu dự trữ lớn nhất thế giới. Với sản lượng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiên liệu dự trữ của nước này đủ dùng trong gần 3 thế kỷ”.
Theo Phó Tổng thống Rodriguez, Venezuela cũng có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới, cùng với dự trữ lớn về quặng sắt, than, vàng và kim cương.
Quan chức Venezuela lưu ý thêm: “Việc hình thành một trật tự thế giới mới đang ở thời điểm bước ngoặt và đất nước Venezuela mong muốn trở thành một phần của thực tế địa chính trị mới này".
Trong vài tuần qua, 4 quốc gia gồm: Zimbabwe, Thái Lan, Malaysia và Colombia thông báo kế hoạch đăng ký tham gia nhóm BRICS.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe đã chia sẻ sự quan tâm của nước này trong việc tham gia vào “mối quan hệ độc đáo” của BRICS, sẵn sàng hợp tác với khối 10 thành viên.
Colombia cũng đã bày tỏ quan tâm. Theo báo chí Nga, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đang tìm cách gia nhập BRICS “càng sớm càng tốt”. Tổng thống Brazil Lula Da Silva được cho là đã tán thành việc Colombia trở thành thành viên BRICS.
Tiếp đó, Malaysia thông báo quyết định đăng ký gia nhập BRICS và sẽ sớm bắt đầu nộp các thủ tục giấy tờ chính thức. Theo Reuters, Thủ tướng Anwar Ibrahim đang chỉ đạo phụ trách hoàn tất quy trình nộp đơn và các bước cần thiết.
Trước Malaysia, Thái Lan là quốc gia ASEAN đầu tiên cho biết đã hoàn tất các bước chuẩn bị để đệ trình hồ sơ đăng ký gia nhập BRICS.
Ngày 20/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết, nước này hy vọng sẽ được nhóm BRICS kết nạp ngay trong cuộc gặp thượng đỉnh của khối tại Nga vào tháng 10 tới.
Ông Nikorndej cho hay, Thái Lan đã đệ đơn chính thức xin gia nhập BRICS tại một cuộc họp cấp bộ trưởng của khối mới đây.
Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tại Kazan, Nga. Quốc gia này cũng đóng vai trò là nước Chủ tịch BRICS kể từ tháng 1 năm nay.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ đầu năm nay, nhóm bắt đầu mở rộng thành viên với Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tham gia.
Việc BRICS mở rộng số lượng thành viên là chuyển biến quan trọng, khi nhóm này đặt mục tiêu loại bỏ sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Nga nêu điều kiện tiên quyết để gia nhập BRICS
Quan chức ngoại giao Nga mới đây cho biết, bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập BRICS thì không được tham gia vào các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp nhằm vào các thành viên của tổ chức này.
Theo đài RT, phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow hôm 18/6, đề cập đến tầm nhìn của Nga về khả năng tiếp tục mở rộng BRICS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết: “Đối với chúng tôi, một trong những tiêu chí tiên quyết để được gia nhập BRICS và được các quốc gia thành viên chào đón là không tham gia vào các lệnh trừng phạt, hoặc các biện pháp hạn chế bất hợp pháp đối với bất kỳ thành viên BRICS nào, trước hết là chống Nga”.
Thứ trưởng Ryabkov lưu ý rằng lập trường này đã được các thành viên khác của BRICS nắm rõ. Nga kỳ vọng rằng quan điểm này sẽ duy trì được “bản chất cốt lõi” khi tổ chức mở rộng trong tương lai.
“Việc BRICS sẽ phát triển và tìm ra những hình thức hợp tác mới với các đối tác, cũng như mở rộng là điều không thể tranh cãi” - nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, đồng thời nhấn mạnh rằng 10 thành viên hiện tại của tổ chức này đã điều chỉnh để hợp tác với nhau như một khối.
Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của nhóm G7.