Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản năm 2022 sẽ phải chịu nhiều áp lực; nếu không thay đổi tư duy, chiến lược để thích ứng thì nhà đầu tư sẽ khó tồn tại và phát triển.
Bên cạnh yếu tố dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, những vướng mắc về pháp lý và rủi ro thị trường đang tăng lên sẽ là khó khăn lớn mà thị trường bất động sản trong năm nay phải đối mặt. Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS).
Ngoài ra, áp lực của thị trường nhà đất cũng sẽ gia tăng do năm 2021 xuất hiện nhiều sản phẩm bất động sản giả, bất động sản lậu, sản phẩm đất phân lô, bán nền “chui” và các đợt “sốt đất” vào đầu và cuối năm ngoái khiến thị trường xuất hiện tình trạng “bong bóng”.
Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đang làm gia tăng giá nhà đất cũng sẽ là một trong số những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản năm 2022 thêm khắc nghiệt hơn. Theo công bố mới nhất của Cục Thống kê, lạm phát cơ bản trong quý I/2022 đã tăng 0,81%.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng ở thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật về đất đai và bất động sản  đang là điểm nghẽn lớn nhất gây cản trở sự phát triển của thị trường.
Đó cũng là nhận định của ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Theo ông, những chính sách, pháp lý chưa rõ ràng đối với các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… còn rất nhiều bất cập, chồng chéo lên nhau. Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, cơ chế đảm bảo phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế, nên thị trường xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro, tranh chấp, xung đột,…
Ông cũng cho biết thêm, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh sẵn có, trong khi nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả.
“Hiện nay có nhiều phân khúc thị trường còn gặp những rào cản, vướng mắc lớn. Mặt khác trong khi lực cầu nhà ở cho các tầng lớp trong xã hội rất lớn, đặc biệt là nhà ở bình dân cho người thu nhập trung bình và thấp, thì nguồn cầu của thị trường lại khá nhỏ giọt và hạn chế”, ông Khôi nói.
Theo các chuyên gia, sắp tới, các doanh nghiệp bất động sản cần chú trọng vào các vấn đề pháp lý, nhất là pháp lý hợp đồng, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp pháp lý. Bởi, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều, mà mới thường quan tâm đến các vấn đề thị trường, đối tác...
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình hỗ trợ; phục hồi xanh, tăng trưởng xanh do loại hình bất động sản xanh đang là xu thế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số để đón đầu xu hướng mới liên quan đến việc thay đổi hành vi khách hàng, do đó việc thay đổi cách quản lý, phòng ngừa rủi ro,…
4 chính sách “siết loạn” thị trường bất động sản năm 2022 
Thị trường bất động sản 2022 liệu có minh bạch hơn năm 2021?