Thị xã hơn 60.000 dân của Thanh Hoá lên kế hoạch đón nhà máy cấu kiện bê tông hơn 150.000m2
Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, dự án phải được hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động chậm nhất trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2769/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy  sản xuất cấu kiện bê tông Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.
Theo đó, với mục tiêu sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông, xi măng, thạch cao, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông Long Sơn có quy mô xây dựng: Kho chứa nguyên liệu, xưởng đúc cấu kiện bê tông, trạm bê tông thương phẩm, trạm bơm cấp nước, nhà nồi hơi, trạm khí nén, trạm điện, nhà chứa chất thải, trạm xử lý nước thải, trạm cân, nhà bảo vệ, nhà văn phòng, bãi chứa nguyên liệu, bãi chứa sản phẩm, khu vực xử lý nước nồi hơi và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác. Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 154.266m2.
Dự án nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông Long Sơn do Công ty TNHH Long Sơn có địa chỉ số 6, đường Voi Phục, phường Trung Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng.
Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Phạm vi khu đất thực hiện dự án được xác định bao gồm một phần khu đất đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH Long Sơn (Nhà đầu tư của dự án) nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn theo Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 12/3/2024; ranh giới khu đất thực hiện dự án sẽ theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phải phù hợp với các cấp độ quy hoạch.
Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, dự án phải được hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động chậm nhất trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Thị xã Bỉm Sơn cách TP. Thanh Hoá 34km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 120km về phía Bắc. Phía Bắc thị xã giáp tỉnh Ninh Bình, phía Nam giáp huyện Hà Trung, phía Đông giáp huyện Nga Sơn, phía Tây giáp huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hoá). Tính đến năm 2021, thị xã có khoảng 60.000 dân.
Với diện tích mỏ đá hơn 1.052ha, chiếm khoảng 15,9% tổng diện tích tự nhiên, thị xã Bỉm Sơn có tiềm năng khoáng sản phục vụ công nghiệp xây dựng. Trữ lượng đá vôi ở Bỉm Sơn dự báo có tới vài tỷ mét khối, lượng đá vôi đã thăm dò là hơn 600 triệu m3. Trữ lượng đá phiến sét đã thăm dò là hơn 640 triệu tấn, dự báo trữ lượng có thể lên đến hàng tỷ tấn. Đất sét dẻo để làm gạch ngói, trữ lượng đủ cho các nhà máy gạch ngói có công suất 100 triệu viên/năm.
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045, nơi đây trở thành trung tâm vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá, đóng vai trò là 1 trong 3 cực tăng trưởng vùng đồng bằng trung du của tỉnh; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh và đầu mối giao thông.
Thị xã sẽ là trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu xây dựng; phát triển dịch vụ kho bãi, trung chuyển hàng hóa, logistics… hỗ trợ phát triển công nghiệp; du lịch văn hóa – tín ngưỡng tâm linh cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, kết nối với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc.
>> Đường đèo 155 triệu USD nối liền Gia Lai và Bình Định đang gặp phải 'nút thắt' tiến độ