Thông tin mới nhất về dự án sân bay hơn 5.000 tỷ nằm tại tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo Quốc lộ 1A
Vào tháng 8/2018, dự án này được điều chỉnh quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E, nâng công suất từ 500.000 hành khách lên 2 triệu hành khách mỗi năm.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban báo chí tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận thông tin tiến độ triển khai hạng mục hàng không dân dụng tại sân bay Phan Thiết.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, cho biết do thủ tục thay đổi quy mô sân bay từ 4C lên 4E đi kèm với nhiều khâu liên quan, nên đến nay hạng mục hàng không dân dụng tại sân bay Phan Thiết  đang còn chậm.
Cụ thể, sân bay Phan Thiết khởi công vào năm 2013. Đến năm 2016, tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng với CTCP Rạng Đông để triển khai hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2018, dự án sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E, nâng công suất từ 500.000 hành khách lên 2 triệu hành khách mỗi năm.
>> Bộ Xây dựng chỉ ra 4 nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá 
Bối cảnh 3D dự án sân bay Phan Thiết. Nguồn ảnh: Internet |
Việc điều chỉnh quy mô này làm tăng tổng mức đầu tư, đòi hỏi dự án phải cập nhật chủ trương đầu tư theo Luật PPP.
Sau một thời gian dài đàm phán về các chi phí đền bù với chủ đầu tư, đến ngày 17/7/2023, tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng với CTCP Rạng Đông.
Đến tháng 9/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho hạng mục hàng không dân dụng tại sân bay Phan Thiết.
"Sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết thì chúng tôi sẽ xúc tiến các bước tiếp theo, trong đó có báo cáo tiền khả thi, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà đầu tư... Trong báo cáo của Hội đồng thẩm định liên ngành TW, nếu năm 2025 chọn được nhà đầu tư suôn sẻ thì hạng mục dân dụng sẽ sớm thi công và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026", Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận Huỳnh Ngọc Thanh nói.
Đến nay, hạng mục quân sự của sân bay Phan Thiết đã cơ bản hoàn chỉnh. Riêng 4km đường vào sân bay đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Được biết, dự án sân bay Phan Thiết, được quy hoạch bởi Bộ Giao thông vận tải năm 2013 với diện tích 543ha, nằm tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, là sân bay kết hợp quân sự và dân dụng, trong đó, hạng mục quân sự do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm, còn hạng mục hàng không dân dụng được UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, vốn nhà đầu tư được huy động cho các hạng mục sân bay Phan Thiết là hơn 5.057 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 759 tỷ đồng, vốn vay là 4.300 tỷ đồng.
Bình Thuận là một tỉnh nằm tại cực Nam Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên khoảng 7.992km2. Đây là tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo đường Quốc lộ 1A với chiều dài là 178,5km. Mặc dù không có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng chiều dài của tỉnh này là rất đáng kinh ngạc. Bình Thuận cũng là một trong năm tỉnh thành có đường bờ biển dài nhất Việt Nam.