‘Thủ phủ di sản’ Việt Nam sẽ đổi tên và mở rộng diện tích thành phố gần 20 năm tuổi lên gấp 3 lần
UBND tỉnh này đang thực hiện các chương trình, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã giai đoạn 2023 - 2025.
Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới cấp thành phố. Thành phố Ninh Bình  sẽ đổi tên là thành phố Hoa Lư, thành phố mới sẽ gắn với định hình tính chất là "Đô thị di sản thiên niên kỷ", dựa trên các giá trị độc đáo, riêng có về địa lý tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Thành phố Ninh Bình nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Ninh Bình. Ngày 7/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP, thành lập thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh. Hiện, tỉnh Ninh Bình có 2 thành phố và 6 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn.
Hiện tại, TP. Ninh Bình có diện tích tự nhiên là 46,75km2, quy mô dân số 154.596 người, có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm 11 phường và 3 xã. Huyện Hoa Lư có diện tích tự nhiên 103,49km2, quy mô dân số 83.613 người, có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 1 thị trấn và 10 xã. Sau khi thực hiện sáp nhập, thành phố Hoa Lư sẽ có diện tích tự nhiên 150,24km2, quy mô dân số là 238.209 người, có 20 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 15 phường và 5 xã.
Sau khi sáp nhập và thành lập thành phố Hoa Lư, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường trực thuộc, tỉnh sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở tỉnh. Hiện, Sở Nội vụ đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn triển khai có hiệu quả Nghị quyết.
Ninh Bình, vùng đất nổi tiếng với bề dày lịch sử và văn hóa, từ lâu đã được tôn vinh với tên gọi “thủ phủ di sản”. Theo thông tin trên Báo Ninh Bình, hiện địa phương này đang sở hữu một kho tàng gần 2.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng. Trong số đó, có đến 81 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; 3 di tích đặc biệt quan trọng được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 5 bảo vật quốc gia vô cùng quý giá; 314 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, có đến 393 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, một con số hiếm có địa phương nào đạt được.