Thủ tướng yêu cầu có gói 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội ngay trong tháng 10
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hoàn thành trong tháng 10 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ.
Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng là từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, mới đạt khoảng 1.344 tỷ đồng tức gần 1%. Trong số này, 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án vay, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, có thêm các ngân hàng TMCP gồm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Các ngân hàng đã triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân (của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường).
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất. Doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, lãi suất và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội  không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng, đã vay tại các tổ chức tín dụng khác...
Tại họp báo Chính phủ hồi tháng 8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5%, còn khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%.
Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất trên.
Nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay còn rất khiêm tốn, đặc biệt tại các địa phương có nhu cầu cao như Hà Nội, TPHCM.
Tính đến cuối tháng 8, cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn. Nếu tính cả dự án đã khởi công và hoàn thành, cả nước đạt gần 36% mục tiêu Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2025.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2025, các địa phương đăng ký hoàn thành 135 dự án nhà ở xã hội với gần 101.900 căn hộ.