Thực hư chuyện mâu thuẫn không hồi kết giữa cư dân và chủ đầu tư chung cư DreamLand Bonanza
Nhiều tháng nay, người dân chung cư DreamLand Bonanza, phường Mỹ Đình 2 liên tục phản ánh những bất cập về chất lượng dịch vụ như: cắt điện, nước, thang máy… tại chung cư.
Mâu thuẫn mới nhất đến từ việc bị cắt điện, nước, thang máy…
Theo thông tin từ báo Giáo dục và Thời đại, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 cho biết, từ đầu tháng 11/2023, cư dân chung cư DreamLand Bonanza có kiến nghị đến cơ quan chức năng, cơ quan báo chí về việc bị cắt điện, cắt nước sinh hoạt.
Nội dung đơn kiến nghị cho rằng, chủ đầu tư thực hiện không đúng các quy định của pháp luật và xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của công dân sinh sống trong tòa nhà, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật của công dân.
Cụ thể: Thang máy tòa nhà liên tục hỏng; thỉnh thoảng thang máy bị khóa không có lý do. Chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy; xé lẻ diện tích tầng 6 – tầng kỹ thuật của tòa nhà để cho các doanh nghiệp chiếm dụng hoặc thuê làm văn phòng; phớt lờ, không thực hiện các khuyến cáo của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Nam Từ Liêm đề cập tại biên bản kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại tòa nhà.
Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra của phường đến làm việc, xác minh thì cư dân đều khẳng định không bị cắt điện, thang máy. Phía đơn vị quản lý vận hành tòa nhà là CTCP MSC Việt Nam (tạm gọi công ty MSC) cũng khẳng định luôn đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân, bao gồm dịch vụ điện, nước sinh hoạt.
Tiếp đó, vào tối 7/11, một số cư dân phản ánh việc không sử dụng được thang máy, không rõ bị cắt hay do hỏng thang. Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 2 tiếp tục kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư và công ty MSC cũng phối hợp với phường để xác định nguyên nhân, xử lý sự cố. Sau đó thang máy chung cư đã hoạt động bình thường.
Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 cho biết, phía sau những mâu thuẫn là do các bên (chủ đầu tư, ban quản trị, cư dân) chưa thống nhất được về đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.
Theo tìm hiểu, chung cư DreamLand Bonanza đi vào hoạt động năm 2021, chủ đầu tư ký hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà  với CTCP MSC Việt Nam.
Đến đầu năm 2023, ban quản trị tòa nhà ký hợp đồng với công ty USEM vào vận hành quản lý. Điều này dẫn đến xung đột trong thời gian qua. “Sau khi có những phản ánh của người dân, phường Mỹ Đình 2 đã tổ chức họp và yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo an sinh, phục vụ cho cư dân tòa nhà các dịch vụ thiết yếu như điện, nước và chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện các yêu cầu này…”, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 chia sẻ.
Dự án chung cư DreamLand Bonanza được quy hoạch trên tổng diện tích 4.331m2, với mật độ xây dựng 41%, gồm 2 tòa chung cư cao 30 tầng chung 5 tầng khối đế, 3 tầng hầm để xe. Dự án do liên danh CTCP Xây lắp giao thông công trình và CTCP Đầu tư bất động sản Vinaland làm chủ đầu tư. Đơn vị quản lý dự án, phân phối và tiếp thị dự án là CTCP BIC Việt Nam.
Được biết, trước đây, chung cư này đã xảy ra không ít lùm xùm mâu thuẫn của chủ đầu tư và cư dân.
Mua chung cư DreamLand Bonanza hơn 6 tỷ nhưng khách hàng "gánh" phí tư vấn khủng?
Theo khảo sát của báo Dân Việt, thời điểm năm 2019, giá căn hộ đang được chào bán thực tế khoảng 2,2-6,2 tỷ đồng/căn, tương đương 34-36 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo bảng giá căn hộ đang được các môi giới tư vấn, tổng giá trị căn hộ chung cư DreamLand Bonanza (chưa bao gồm 2% phí bảo trì) gồm: Giá trị trên hợp đồng mua bán và phí dịch vụ tư vấn do CTCP BIC Việt Nam thu. Như vậy, số tiền chênh giữa giá trị thực tế khách hàng phải thanh toán cao hơn giá trong hợp đồng mua bán căn hộ DreamLand Bonanza từ 400-980 triệu đồng.
Ví dụ: Đối với căn hộ 801 có diện tích 72,6m2, đơn giá bán đã bao gồm VAT chưa phí bảo trì là gần 35,1 triệu đồng/m2. Tổng giá trị căn hộ là 2,5 tỷ đồng nhưng giá trị căn hộ trong hợp đồng mua bán (gồm VAT, chưa phí bảo trì) chỉ là 2,1 tỷ đồng. Và phí dịch vụ tư vấn tỉ lệ thuận với diện tích căn hộ. Phí dịch vụ tư vấn BIC thu là 401 triệu đồng. Và phí dịch vụ tư vấn tỉ lệ thuận với diện tích căn hộ.
Nhiều cư dân khi được biết giá trị thực của căn hộ đã không khỏi tiếc nuối vì phần trăm cho môi giới đã cắt quá cao. Ước tính chưa chính xác ở mức thấp nhất, với cách thu phí dịch vụ trên, công ty BIC Việt Nam đã thu được khoảng hơn 115 tỷ đồng (378 căn hộ x 400 triệu đồng phí dịch vụ = 115 tỷ đồng).
Nhận định về việc giá căn hộ trên thực tế cao hơn giá trên hợp đồng mua bán, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong quy định của pháp luật, tất cả các loại hợp đồng mua bán thương mại phải có chứng từ, hóa đơn, giấy biên nhận. Tại Điều 15 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng quy định rõ: “Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng”.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, trong trường hợp có tranh chấp xảy ra hoặc khi khách hàng không muốn mua nữa mà muốn lấy lại tiền thì không thể đòi lại được số tiền bên ngoài hợp đồng. “Có thể chủ đầu tư sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng nhưng sẽ chỉ trả lại số tiền ghi trong hợp đồng... Thêm nữa, đây cũng có thể coi là hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản”.
Cư dân Dreamland Bonanza "nhuộm đỏ" tòa nhà, tố chủ đầu tư bán nhà sai địa chỉ
Đầu năm 2021, theo một số cư dân chung cư Dreamland Bonanza, khi quảng bá, giới thiệu về dự án, trong các hồ sơ/tài liệu có liên quan và cả trong hợp đồng mua bán chung cư  Dreamland Bonanza đều có vị trí tại 23 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.
Tuy nhiên, khi đi làm các thủ tục giấy tờ, nhiều cư dân mới "ngã ngửa" khi biết tòa nhà nói trên thuộc quản lý của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Việc này đã khiến nhiều cư dân tại Dreamland Bonanza lâm vào cảnh khốn đốn khi đi xin nhập học cho con được học đúng tuyến tại quận Cầu Giấy hay làm sổ đỏ, xin chuyển khẩu, tạm trú….
Không những vậy, cư dân cũng phản ánh việc họ đã đóng 100% giá trị căn hộ nhưng gần 1 năm sau chủ đầu tư dự án vẫn chưa tiến hành hội nghị nhà chung và thành lập ban quản trị tòa nhà cũng như bàn giao quỹ bảo trì. Thời điểm đó, dù đã bàn giao căn hộ từ tháng 4/2020 nhưng đến năm 2021, người dân vẫn chưa nhận được sổ hồng .
Kèm theo đó là hàng loạt phản ánh về việc diện tích của căn hộ không đúng với thực tế, phí dịch vụ quá cao...
Bức xúc trước những vấn đề trên, không ít cư dân tại Dreamland Bonanza đã căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư: "Nhà Nam Từ Liêm nhưng lừa bán Cầu Giấy", "Vinaland lừa đảo khách hàng", "Yêu cầu Vinaland trả sổ hồng", "Yêu cầu Vinaland đối thoại với cư dân và văn phòng"...
Sau nhiều lần biểu tình, kiện cáo, người dân phải chấp nhận sống trong cảnh “mập mờ” vì địa giới hành chính giữa 2 quận.
>> Chốt phương án di dời, các cơ sở khám, chữa bệnh Hà Nội sẽ chuyển về đâu?