Thực trạng BĐS tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam: 18.000 căn hộ bỏ hoang, 'đốt' hàng trăm tỷ mỗi năm

20-05-2024 21:30|An Nhiên

Tính riêng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, có ít nhất hoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang lãng phí.

(TyGiaMoi.com) - Hàng tỷ đồng được 'rót' vào các căn hộ tái định cư nhưng 'vô nghĩa'?

Một trong những thực trạng lãng phí phải kể đến hiện nay ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM... là hiện tượng các căn hộ tái định cư được đầu tư nhưng luôn trong tình trạng "hoang lạnh". Có không ít các khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy cực kỳ thấp, thậm chí có những khu bỏ hoang không có người ở.

Những tòa nhà được xây dựng với quy mô vô cùng lớn với nguồn vốn được "rót" vào lớn đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng luôn trong tình trạng "vườn không nhà trống", sử dụng không hiệu quả khiến cho hạ tầng cũng như các hạng mục bị xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Nhiều khu tái định cư ở các thành phố lớn luôn trong tình trạng bị bỏ hoang không có ai đến ở. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Nhiều khu tái định cư ở các thành phố lớn luôn trong tình trạng bị bỏ hoang không có ai đến ở. Ảnh: Internet

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ tính riêng ở 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư trong tình trạng bỏ hoang, không có dân đến ở, lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho công việc bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

>> Lạ lùng khu tái định cư gần 400 tỷ đồng vẫn 'trống trải' suốt 10 năm đợi dân về

Theo như báo cáo của Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội, trên địa bàn hiện có 174 khu nhà tái định cư hiện đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ cùng 4.000 căn chung cư bị bỏ không.

Không ít dự án tái định cư có người dân về ở có diện tích kinh doanh dịch vụ vẫn trong tình trạng bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào "ngó ngàng" thuê hay sử dụng các dịch vụ thương mại.

Trong khi đó tại TP. HCM, theo như thống kê của Sở Xây dựng, hiện có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ trống, đa phần tập trung ở khu tái định cư Bình Khánh (TP. Thủ Đức) với hơn 12.000 căn hộ; khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ.

Theo dữ liệu nghiên cứu của VARS, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở đặc biệt ở phân khúc căn hộ hiện đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng.

Lượng dự án BĐS được phê duyệt mới ngày càng trở nên khan hiếm khi các dự án đang triển hai chật vật bởi nhiều vướng mắc có liên quan đến pháp lý cũng như nguồn vốn.

Mỗi năm, trung bình ước tính mỗi đô thị đều thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Việc hàng chục nghìn căn hộ trong tình trạng bỏ hoang giữa bối cảnh nhiều người dân không có nhà ở là điều "bất hợp lý". Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực cách xa trung tâm, thiếu tiện ích cũng như các dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm đi sức hấp dẫn cũng như gây ra nhiều khó khăn bất cập cho người dân khi di chuyển cũng như sinh hoạt hàng ngày.

(TyGiaMoi.com) - Lối thoát nào cho các khu tái định cư bị bỏ hoang?

Trước thực trạng nhức nhối hiện nay về việc hàng loạt khu tái định cư bị bỏ hoang trong khi nhiều người dân trong tình trạng "thiếu nhà ở", VARS cho rằng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp cụ thể.

Việc bỏ hoang các khu tái định cư gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Việc bỏ hoang các khu tái định cư gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: Internet

1. Kế hoạch quy hoạch rõ ràng

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Những khu vực này cần được kết nối với trung tâm thành phố với đầy đủ hạ tầng và dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ cũng như tiện ích khác.

Ngoài ra, cần giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, các dự án tái định cư cần tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn.

2. Thúc đẩy thời gian có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai 2024

Việc sớm đưa Luật Đất đai 2024 nhanh chóng có hiệu lực với những quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người bị thu hồi đất.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thuộc trường hợp Nhà nước thu đất để tạo hành lang pháp lý đủ rộng cho người dân.

Cơ quan quản lý cũng cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn và đào tạo nghề để giúp người dân thích nghi với cuộc sống mới, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào quá trình quy hoạch, phát triển các dự án tái định cư nhằm đảm bảo các dự án tái định cư được được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế, đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.

3. Rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn

Đối với những dự án căn hộ tái định cư đang được triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát và đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai.

Đối với những dự án đã hoàn thiện và chưa sử dụng cần có kế hoạch đấu giá nhằm thu hồi vốn, nghiên cứu mức giá bán sao cho phù hợp, kích thích nhu cầu và thu hút người dân đến sinh sống.

>> Huyện cửa ngõ miền Tây được 'bồi' thêm trợ lực với khu dân cư gần 11 nghìn tỷ

Bộ đôi 'tân binh' địa ốc làm dự án 'khủng' 13.000 tỷ tại địa phương cách Hà Nội chưa đầy 50km

Dự án The Gió Riverside của An Gia (AGG) được cấp phép xây dựng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thuc-trang-bds-tai-2-thanh-pho-lon-nhat-viet-nam-18000-can-ho-bo-hoang-dot-hang-tram-ty-moi-nam-d123138.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thực trạng BĐS tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam: 18.000 căn hộ bỏ hoang, 'đốt' hàng trăm tỷ mỗi năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH