Thuế quan chồng chất, hàng Made in China vẫn ‘làm mưa làm gió’ ở phương Tây
Một tổ chức tư vấn phát hiện ra rằng Mỹ và EU ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Ngược lại, quốc gia châu Á này đang cố gắng tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Trong khi Trung Quốc  dần giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), một tổ chức tư vấn của Đức chỉ ra, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc tại phương Tây lại tăng "đáng kể" trong 20 năm qua - bất chấp những rào cản thương mại ngày càng gia tăng đối với cường quốc châu Á .
Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics) cho biết, sự phụ thuộc của EU và Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc không chỉ tập trung vào máy móc và thiết bị điện tử mà còn lan rộng ra nhiều ngành công nghiệp khác.
Phân tích các số liệu từ những năm 2000, các tác giả của báo cáo chỉ ra hàng dệt may và đồ nội thất là những lĩnh vực "phụ thuộc đáng kể".
Những phát hiện này được công bố sau khi Mỹ tăng thuế đối với xe điện, pin xe điện, pin mặt trời và thép do Trung Quốc sản xuất trong năm nay.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài 6 năm kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa trị giá 550 tỷ USD của Trung Quốc.
Trong khi đó, EU vài năm qua đã tăng cường điều tra chống trợ cấp và tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, chủ yếu bao gồm các sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp xe điện.
Theo tổ chức tư vấn, Mỹ "phụ thuộc rất nhiều" vào hàng nhập khẩu Trung Quốc ở 532 trong số khoảng 5.000 danh mục vào năm 2022, gần gấp 4 lần so với con số ghi nhận vào năm 2000. Số liệu của EU trong cùng năm là 421, cao hơn khoảng 3 lần so với năm 2004.
Tuy nhiên, viện này lưu ý Trung Quốc lại phụ thuộc ít hơn vào châu Âu và Mỹ trong 24 năm qua. Cụ thể, họ đã cắt giảm số lượng sản phẩm phụ thuộc vào Mỹ từ 116 xuống 57 và từ 235 xuống 120 đối với EU.
Thay vào đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện đang đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng như quặng sắt và đậu nành từ những khu vực khác trên thế giới.
Thêm vào đó, chuyên gia kinh tế cho rằng thuế quan của Mỹ "rất có thể không hiệu quả", đồng thời khuyên EU đánh giá rủi ro khi phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU vào năm 2023 và là nguồn lớn thứ 2 của Mỹ sau Mexico.
Lo ngại an ninh quốc gia, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cấm chuyển giao công nghệ tiên tiến đến Trung Quốc trong nửa thập kỷ qua - đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn - và ngăn chặn hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Mỹ.
Trong khi đó, sản lượng chip của Trung Quốc tăng mạnh 40% so với năm trước lên 98,1 tỷ mạch tích hợp trong quý đầu năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang đẩy mạnh sản xuất chip "trưởng thành" cấp thấp hơn trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.
Theo SCMP
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Thừa nhà, thiếu người 
Giới tỷ phú Trung Quốc ‘bỏ túi’ thêm 130 tỷ USD nhờ cú hích từ Bắc Kinh