Tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến ‘thay tên đổi họ’ cho nhiều xã, phường sau khi bỏ cấp huyện
Dự kiến, sau khi bỏ cấp huyện, địa phương này từ 91 xã, phường sẽ giảm xuống còn 27 xã, phường.
Theo báo Tiền Phong, ngày 28/3, Tỉnh ủy Bình Dương  đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương và tỉnh liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính.
Tại hội nghị, tỉnh đã công bố dự thảo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, với phương án giảm từ 91 xã, phường, thị trấn hiện có xuống còn 27 đơn vị hành chính  cấp xã sau sắp xếp.

Hiện nay, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 5 thành phố và 4 huyện) với 91 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 39 xã, 47 phường và 5 thị trấn. Theo phương án dự kiến, TP. Thủ Dầu Một sẽ sáp nhập 14 phường thành 3 phường: phường Thủ Dầu Một (gộp Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa, Chánh Nghĩa, Phú Thọ), phường Châu Thành (gộp Tân An, Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Hiệp An, Định Hòa), và phường Bình Dương (gộp Phú Mỹ, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Tân).
TP. Dĩ An nhập 8 phường thành 2 phường: phường Dĩ An (gộp Bình Thắng, Bình An, Đông Hòa, An Bình, Dĩ An), và phường Tân Đông Hiệp (gộp An Phú của TP. Thuận An, Tân Bình, Tân Đông Hiệp). Trong khi đó, TP. Thuận An dự kiến sáp nhập 8 phường và 1 xã thành 2 phường mới: phường Lái Thiêu (gộp xã An Sơn và các phường An Thạnh, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Hưng Định, Vĩnh Phú) và phường Thuận An (gộp Bình Chuẩn, Thuận Giao, Bình Hòa).
TP. Tân Uyên sáp nhập 2 xã và 10 phường thành 4 phường: phường Vĩnh Tân (gộp Vĩnh Tân và Phú Chánh), phường Tân Uyên (gộp Uyên Hưng và Hội Nghĩa), phường Tân Hiệp (gộp Tân Hiệp, Khánh Bình và xã Bạch Đằng), phường Tân Khánh (gộp xã Thạnh Hội và các phường Thái Hòa, Thạnh Phước, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp).

TP. Bến Cát sáp nhập 1 xã và 7 phường thành 4 phường: phường Tây Nam (gộp xã Phú An, phường An Điền, An Tây), phường Bến Cát (gộp phường Mỹ Phước và một phần phường Chánh Phú Hòa – khu phố 1 đến khu phố 8), phường Tân Định (gộp phường Tân Định, Hòa Lợi và khu phố 9, phường Chánh Phú Hòa). Riêng phường Thới Hòa giữ nguyên hiện trạng.
Tại huyện Dầu Tiếng, phương án sáp nhập thị trấn Dầu Tiếng và 12 xã hiện hữu thành 4 đơn vị hành chính: xã Minh Hòa (gộp Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân), xã Dầu Tiếng (gộp thị trấn Dầu Tiếng, Định An, Định Thành, Định Hiệp), xã Thanh Tuyền (gộp Thanh An, Thanh Tuyền), và xã Long Hòa (gộp An Lập, Long Tân, Long Hòa).
Huyện Phú Giáo sẽ gộp thị trấn và 10 xã thành 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm: xã Phú Giáo (gộp An Linh, Phước Sang, An Thái, An Long, Tân Hiệp), xã Phước Vĩnh (gộp Tân Long, Vĩnh Hòa, Phước Hòa), và xã Phước Thành (gộp thị trấn Phước Vĩnh, An Bình, Tam Lập).
Huyện Bàu Bàng sáp nhập 1 thị trấn và 6 xã thành 2 xã mới: xã Bàu Bàng (gộp thị trấn Lai Uyên, Cây Trường II, Trừ Văn Thố) và xã Long Nguyên (gộp Long Nguyên, Tân Hưng, Hưng Hòa, Lai Hưng).
Cuối cùng, huyện Bắc Tân Uyên sáp nhập 2 thị trấn và 8 xã thành 3 xã mới: xã Bình Mỹ (gộp thị trấn Tân Bình, xã Bình Mỹ, Tân Lập), xã Tân Thành (gộp thị trấn Tân Thành, Tân Định, Đất Cuốc), và xã Thường Tân (gộp Hiếu Liêm, Tân Mỹ, Lạc An, Thường Tân).
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.
>> Thông tin mới về dự án khu công nghiệp định hướng ngành cơ khí của tỷ phú Trần Bá Dương