Tình hình lao động việc làm Quý I năm 2024
Trong nước, lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2024 giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2024 là 52,4 triệu người, giảm 137,4 nghìn người so với quý trước nhưng tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tình hình lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19 (lực lượng lao động quý I thường có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước).
Hình 1: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên theo quý, giai đoạn 2020 – 2024
Triệu người
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2024 là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,6% và của nam giới là 74,7%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,1%, thấp hơn ở khu vực nông thôn 3,9 điểm phần trăm. Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,6%; nông thôn: 49,2%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 34,4%; nông thôn: 42,8%).
Hình 2: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2021 – 2024 (%)
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2024 là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hiện nay, cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
2. Lao động có việc làm
Số lao động có việc làm quý I năm 2024 đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kì trước dịch Covid-19.
Quý I năm 2024, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, giảm 127 nghìn người (tương ứng giảm 0,25%) so với quý trước, tăng 174,1 nghìn người (tương ứng tăng 0,34%) so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lao động có việc làm giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,77%) và ở nam giới (giảm 0,97%).
Số lao động có việc làm quý I năm 2024 đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kì trước dịch Covid-19. Theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kì dịch Covid-19 (trước năm 2020), số lao động có việc làm quý I thường có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chỉ ghi nhận ở quý I do yếu tố thời vụ và văn hóa lễ hội sau dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, đến năm 2020 và 2021 (thời kì bị ảnh hưởng bởi dịch), số lao động có việc làm giảm mạnh ở quý I và có xu hướng tăng/giảm bất thường ở cả các quý sau do ảnh hưởng của các đợt dịch, quý I năm 2020 bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lao động (giảm 1,84% so với quý trước và giảm 0,77% so với cùng kì năm trước), sự sụt giảm này còn diễn ra ở quý II năm 2020 (giảm 3,99%), quý I năm 2021 (giảm 1,89%) và quý III năm 2021 (giảm 5,20%). Đến giai đoạn năm 2022-2023 là giai đoạn phục hồi, số lao động tăng ở tất cả các quý do hiện tượng “tăng bù” sau đại dịch Covid-19. Đến quý I năm 2024, số lao động giảm nhẹ so với quý IV năm 2023 (giảm 0,25%) và quay lại xu hướng như năm 2019.
Hình 3: Tốc độ tăng/giảm lao động có việc làm so với quý trước, giai đoạn 2019-2024 (%)
Trong tổng số 51,3 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,0%, tương đương 20,5 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,1%, tương đương 17,0 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, chiếm 26,9%, tương đương 13,8 triệu người. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, qui mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 3,1 nghìn người và 65,4 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 196,4 nghìn người và giảm 336,4 nghìn người; lao động trong ngành dịch vụ tăng 72,4 nghìn người và tăng 575,8 nghìn người.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp)[2] trong quý I năm 2024 là 33,3 triệu người, giảm 195,8 nghìn người so với quý trước và tăng 240,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động phi chính thức quý I năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do số lao động phi chính thức ở ngành dịch vụ tăng (tăng 696,3 nghìn người).
Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2024 là 64,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
3. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[3] 
Tỷ lệ thiếu việc làm quý I năm 2024 tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tháng Giêng và tháng Hai hàng năm là thời gian nghỉ tết Nguyên đán ở Việt Nam, do đó nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi. Kết quả là tình hình thiếu việc làm quý này thường cao hơn so với quý trước. Đây là hiện tượng thường thấy trước khi dịch Covid-19 xuất hiện[4] . Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[5] quý I năm 2024 khoảng 933,0 nghìn người, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị quý I năm 2024 là 1,20% thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,58%).
Hình 4: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2024
Trong tổng số 933,0 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở quý I năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 49,3% (tương đương với 459,5 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 28,7% (tương đương 268,0 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 22,0% (tương đương 205,5 nghìn người). So với quý trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ có số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng (tăng tương ứng là 64,5 và 26,0 nghìn người), trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm (giảm 64,1 nghìn người). Như vậy, so với quý trước, tình trạng thiếu việc làm của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng đã có sự cải thiện hơn.
4. Thu nhập bình quân của lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,33 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,6 triệu đồng so với 6,5 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,42 lần khu vực nông thôn (9,3 triệu đồng so với 6,5 triệu đồng). Quý I năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện nhưng tốc độ tăng thấp với 7,8% (quý I năm 2023 tăng 10,0%).
Hình 5: Thu nhập và Tốc độ tăng/giảm bình quân tháng của lao động quý I so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn 2020-2024
Thu nhập bình quân của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2024 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế – xã hội của cả nước; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận tốc độ tăng khá cao. Thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long quý I/2024 là 6,9 triệu đồng, tăng 6,1% (tương ứng tăng 340 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 9,2% (tương ứng 584 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng này ghi nhận tốc độ tăng cao như: Đồng Tháp là 8,2 triệu đồng, tăng 28,5% (tương ứng tăng 1,8 triệu đồng); Bạc Liêu là 6,9 triệu đồng, tăng 22,8% (tương ứng tăng 1,3 triệu đồng); Tiền Giang là 7,9 triệu đồng, tăng 15,0% (tương ứng tăng 1 triệu đồng).
Quý I/2024, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận tốc độ tăng thấp nhất trong các vùng của cả nước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 6,6 triệu đồng, tăng 2,8% (tương ứng tăng 177 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 5,7% (tương ứng tăng 355 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, một số tỉnh ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng khá thấp như: Thanh Hóa là 6,8 triệu đồng, tăng 1,8% (tương ứng tăng 123 nghìn đồng); Nghệ An thu nhập của người lao động là 5,8 triệu đồng, ghi nhận tốc độ giảm nhẹ 0,5% (tương ứng giảm 27 nghìn đồng).
Hình 6: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý I, giai đoạn 2022-2024
Triệu đồng
Thu nhập bình quân của người lao động theo khu vực kinh tế
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý I/2024 tại ba khu vực kinh tế đều tăng; trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất. Thu nhập bình quân tháng của lao động tại khu vực dịch vụ trong quý I năm nay là 9,0 triệu đồng, tăng 8,7%, tương ứng tăng 724 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 4,4 triệu đồng, tăng 8,3%, tăng tương ứng là 338 nghìn đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,4 triệu đồng, tăng 5,9%, tương ứng tăng 471 nghìn đồng.
Hình 7: Tốc độ tăng/giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý I so với cùng kỳ năm trước,
giai đoạn 2021-2024 (%)
Thu nhập bình quân của người lao động theo ngành kinh tế
Quý I/2024, thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước: ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1 triệu đồng, tăng 15,3%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 13,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,5 triệu đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 7,3 triệu đồng, tăng 9,3%, tương ứng tăng 617 nghìn đồng; vận tải kho bãi là 10,5 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng 880 nghìn đồng.
Quý I năm nay, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7%, tương ứng tăng 606 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (9,0 triệu đồng so với 7,9 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, cao hơn 1,26 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (7,6 triệu đồng).
5. Lao động thất nghiệp[6] 
So với quý trước, tình hình thất nghiệp quý I có cải thiện.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch[7] . Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 khoảng 1,05 triệu người, giảm 10,3 nghìn người so với quý trước và tăng 5,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thường quan sát được ở thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%, tính từ thời điểm quý I năm 2022 (quý I các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là: 2,88%; 2,66% và 2,64%).
Hình 8: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2024
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) tăng, tuy nhiên tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo giảm.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I năm 2024 là 7,99%, tăng 0,37 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, cao hơn 3,31 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với quý trước, tỷ lệ này giảm ở khu vực thành thị (giảm 0,02 điểm phần trăm) và tăng ở khu vực nông thôn (tăng 0,58 điểm phần trăm).
Trong quý I /2024, cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,0% tổng số thanh niên), giảm 51,5 nghìn người so với quý trước và giảm 125,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 12,8% so với 8,3% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 12,5% so với 9,7%. So với quý trước, tỷ lệ này giảm ở khu vực thành thị và cả hai giới nam và nữ (tương ứng giảm 1,25; 0,12 và 0,81 điểm phần trăm) và tăng ở khu vực nông thôn (tăng 0,04 điểm phần trăm).
6. Lao động không sử dụng hết tiềm năng
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[8] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý I năm 2020 đến quý II năm 2022, tỷ lệ này ở mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý I năm 2024, tỷ lệ này là 4,4% (tương ứng hơn 2,3 triệu người).
Hình 9: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2020-2024 (%)
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I năm 2024 của khu vực thành thị là 3,9% (giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước) và khu vực nông thôn là 4,7% (tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,0%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (31,3%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Hình 10: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng, quý I năm 2024 (%)
7. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Từ quý III năm 2021 trở lại đây, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu có xu hướng giảm dần qua các quý nhưng đến quý I năm 2024, con số này là 3,9 triệu người, tăng 492,4 nghìn người so với quý trước và giảm 51,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với 86,6% và ở nữ giới, chiếm 63,7%. Trong tổng số 3,9 triệu lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng 2,1 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 54,5%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.
Hình 11: Lao động làm công việc tự sản tự tiêu các quý, giai đoạn 2020 – 2024
Triệu người
[1]  ILO (Tháng 01/2024), “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế Giới: Xu hướng 2024”. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—asia/—ro-bangkok/—ilo-hanoi/documents/publication/wcms_910645.pdf , truy cập ngày 20/3/2024.
[2]  Lao động có việc làm phi chính thức (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.
[3]  Người thiếu việc làm là những người làm việc thực tế dưới 35 giờ một tuần, mong muốn và sẵn sàng làm thêm giờ.
[4]  Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý I năm 2019 là 1,17%; quý IV năm 2018 là 1,13%; quý I năm 2018 là 1,52%; quý IV năm 2017 là 1,58%; quý I năm 2016 là 1,76%; quý IV năm 2015 là 1,61% (theo khung khái niệm ICLS-13)
[5]  Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 9 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 56 tuổi (năm 2023); nam từ 15 đến chưa đủ 61 tuổi và nữ từ 15 đến chưa đủ 56 tuổi 4 tháng (năm 2024).
[6]  Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.
[7]  Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2019 là 1.059,3 nghìn người và 2,31%.
[8]  Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.