Tổ chức lại Vành đai 3 có thể giảm ùn tắc giao thông rõ rệt
Trên thực tế Vành đai 3, đoạn từ Phạm Văn Đồng - Pháp Vân đã không còn là đường bao đi tránh đô thị trung tâm như thiết kế ban đầu nữa. Hà Nội cần xem xét tổ chức lại đoạn tuyến này, giảm tốc độ tối đa, mở thêm làn lưu thông.
Trục chính xuyên tâm
Đường Vành đai 3  Hà Nội được quy hoạch từ năm 1990, hoàn thành xây dựng toàn bộ đoạn tuyến trên cao từ Phạm Văn Đồng - Pháp Vân vào năm 2020. Mục tiêu ban đầu của TP là tạo nên một tuyến đường bao, đi tránh khu vực đô thị trung tâm để phục vụ xe quá cảnh và nhu cầu lưu thông nhanh từ khu vực ngoại vi phía Bắc đến cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
Đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị trung tâm, dọc đoạn tuyến Vành đai 3 nêu trên đều đã trở thành địa bàn của các quận nội thành như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Với đặc thù nằm giữa khu vực đô thị đông dân, nhiều điểm giao cắt, Vành đai 3 thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), lưu lượng phương tiện gấp nhiều lần thiết kế ban đầu.
Hiện, Vành đai 3 được ký hiệu là CT.20, đoạn Phạm Văn Đồng - Pháp Vân cho phép lưu thông với tốc độ tối đa 80km/giờ. Mỗi hướng lưu thông có 2 làn đường và 1 làn khẩn cấp. Do quá tải, nhiều phương tiện đã cố tình chạy vào làn khẩn cấp, cộng với xung đột tại các lối lên xuống, Vành đai 3 cả trên cao và dưới thấp đều rất dễ ùn tắc.
Cụ thể, khi Vành đai 3 dưới thấp với trục Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Hoàng Liệt ùn tắc, nhiều ô tô, thậm chí là cả xe máy cũng lao lên đường trên cao để tìm lối thoát. Lượng xe đi ngắn này nhiều không kém dòng phương tiện đi dài, lại liên tục lên xuống, ra vào cao tốc trên cao, dẫn đến dòng phương tiện với tốc độ tối đa cho phép 80km/giờ liên tục phải giảm tốc, ùn ứ, hạn chế năng lực thông hành.
Ngoài ra hàng loạt đường dẫn từ Vành đai 3 trên cao xuống thấp được kết nối thẳng ngay trước các nút giao lớn như: Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Xiển; Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long… dẫn đến lưu lượng xe lớn dồn dập đổ vào nút giao, gây ra ùn tắc cục bộ. Chính những điểm nghẽn cục bộ này là một trong những tác nhân chính khiến toàn bộ Vành đai 3, cả trên cao lẫn dưới thấp ngày càng giảm năng lực thông hành.
Từ thực tế có thể thấy, đường Vành đai 3, đặc biệt đoạn tuyến trên cao từ Phạm Văn Đồng - Pháp Vân hiện không còn là đường vành đai đơn thuần mà đã trở thành đường trục chính đô thị. Muốn hạn chế UTGT cần phải đánh giá lại, xác định rõ vai trò, chức năng của nó để có phương án tổ chức giao thông phù hợp.
Giảm tốc, mở thêm làn đường
Hà Nội đang tập trung sức lực cho đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Khi hoàn thành, đây sẽ là hướng chủ đạo để phân luồng xe quá cảnh, xe liên tỉnh đi tránh trung tâm TP. Cùng với đó hàng loạt hầm chui qua Vành đai 3 tại các nút giao: Dương Đình Nghệ, Hoàng Quốc Việt… cũng đang chuẩn bị đầu tư, khi hoàn thiện sẽ giảm tải rõ rệt cho khu vực đô thị phía Tây, Tây Nam, và Nam Hà Nội.
Nhưng trong bối cảnh áp lực giao thông lớn, hạ tầng còn thiếu thốn như hiện nay, tổ chức giao thông là công cụ hữu hiệu nhất để giảm UTGT, đặc biệt với khu vực nội đô TP. Tháo gỡ các điểm nghẽn trên Vành đai 3 bằng tổ chức giao thông là một giải pháp rất đáng để quan tâm, xem xét.
Với đoạn tuyến từ Phạm Văn Đồng - Pháp Vân, Hà Nội cần nghiên cứu giảm tốc độ lưu thông tối đa từ 80km/giờ hiện nay xuống còn 60km/giờ, thậm chí thấp hơn nữa để điều tiết nhịp độ giao thông phù hợp với tuyến đường nhiều giao cắt, nhiều luồng phương tiện ra vào liên tục. Khi giảm tốc độ tối đa, lưu lượng phương tiện đổ dồn vào đoạn tuyến này sẽ được phân bổ dàn trải, đều đặn hơn, phù hợp với năng lực thực tế hơn.
Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, có những thời điểm cơ quan chức năng đã phải cho phép xe cộ đi vào làn khẩn cấp tại Vành đai 3 trên cao. Nếu đoạn tuyến trên cao từ Phạm Văn Đồng - Pháp Vân giảm tốc độ lưu thông tối đa xuống còn 60km/giờ, sẽ có điều kiện để xem xét chuyển đổi hẳn làn đường khẩn cấp thành làn lưu thông bình thường để nâng cao năng lực thông hành. Tuy nhiên, tại các điểm mở lên xuống cần nghiên cứu rất kỹ phương án để khi dòng xe tách nhập làn không tạo nên xung đột lớn.
Cùng với đó cần nghiên cứu tính khả thi của việc kéo dài thêm một số lối lên xuống đường trên cao tại những nút giao có áp lực lớn. Ví dụ như kéo dài đường xuống từ Vành đai 3 trên cao đến đường Trần Duy Hưng; làm đoạn nối thẳng từ Đại lộ Thăng Long lên đường trên cao, tháo gỡ điểm nghẽn trong lòng nút giao hiện có.
Song song với tổ chức giao thông, Hà Nội cần nhanh chóng lắp đặt hệ thống camera phục vụ ghi hình, xử phạt nguội trên đoạn tuyến Vành đai 3 từ Phạm Văn Đồng - Pháp Vân. Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây UTGT là tình trạng tràn lan vi phạm lấn làn, vượt ẩu, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ…
Kết hợp tổ chức giao thông với xử phạt nghiêm vi phạm, áp lực giao thông trên Vành đai 3 - tuyến đường xuyên tâm quan trọng bậc nhất của TP, sẽ giảm đáng kể. Hiệu ứng đó sẽ tiếp tục lan tỏa ra các tuyến đường xung quanh, giúp cho khu vực đô thị Tây, Tây Nam và Nam Thủ đô “dễ thở” hơn nhiều trong bối cảnh hiện tại.
Vào cuộc sớm, Kiểm toán Nhà nước phát hiện kịp thời vướng mắc tại các dự án trọng điểm