Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại hội nghị APEC 2024
Sáng 14/11 theo giờ địa phương, trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024.
Với chủ đề “Con người. Doanh nghiệp. Thịnh vượng”, Hội nghị lần này gồm hơn 20 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề, xu thế có tác động lớn đến sự phát triển của khu vực và thế giới như biến đổi khí hậu, các biến động địa chính trị trên thế giới, cách mạng trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và kết nối khu vực, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, và sự phát triển của các thị trường mới nổi.
Chủ tịch nước Lương Cường , với tư cách là khách mời chính, đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước:
Thưa Quý vị,
Hôm nay tôi xin phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2024 với chủ đề “Cửa ngõ đến vùng đất của cơ hội”.
Thưa toàn thể quý vị,
Tôi vui mừng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2024 - diễn đàn đối thoại chính sách uy tín hàng đầu thế giới, nơi hội tụ những gương mặt tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương, nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng đột phá, sáng tạo, nơi kết nối các doanh nghiệp toàn khu vực.
2. Những ngày qua, điều Tôi cảm nhận rõ nét từ trao đổi và lắng nghe ý kiến của các đại biểu chính là sự lạc quan và khát vọng về một tương lai tươi sáng. Những tín hiệu ngày càng tích cực của nền kinh tế thế giới đã chứng tỏ sức chống chịu, khả năng phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế, từng bước trấn an những lo lắng, bất an trên thị trường. Tôi chia sẻ quan điểm rằng, chúng ta nhận thức rõ các rủi ro và thách thức, nhưng chúng ta cũng có cơ sở, công cụ, quyết tâm để vượt qua khó khăn và thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển. Tinh thần lạc quan, dám nghĩ, dám làm, khả năng phát hiện cơ hội ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất chính là chìa khoá để thành công trong một thế giới liên tục đổi thay và đầy bất định.
Thưa quý vị,
Yêu cầu đặt ra trong định hình trật tự kinh tế quốc tế mới
3. Thế giới đang trải qua những chuyển đổi to lớn mang tính thời đại, tác động sâu rộng đến môi trường kinh tế chính trị quốc tế, đến từng quốc gia, thậm chí đến từng doanh nghiệp. Là tập hợp của những nền kinh tế hàng đầu thế giới, châu Á - Thái Bình Dương đang ở trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ mới, nơi giao thoa giữa cái cũ và cái mới, và chịu tác động trái chiều từ nhiều yếu tố. Trong bối cảnh đó, APEC chính là nơi để chúng ta cùng suy ngẫm, trao đổi, và xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế thuận lợi nhất cho sự phát triển của các nền kinh tế thành viên. Theo đó, có bốn yêu cầu lớn đặt ra như sau:
- Thứ nhất, bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, khuyến khích thương mại và đầu tư toàn cầu, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới hàng trăm năm qua, không ai có thể phủ nhận được là, chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối, người dân được tham gia và thụ hưởng thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng; và ngược lại, đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói. Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy “nhất bên thắng, nhất bên thua”, không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách. Trong một thế giới gắn kết, lợi ích đan xen chặt chẽ như ngày nay, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm, bởi mỗi quyết sách đưa ra đều có tác động rất lớn, dẫn đến hệ quả khôn lường.
- Thứ hai, bảo đảm mọi quốc gia, mọi người dân đều được tiếp cận cơ hội bình đẳng và thụ hưởng một cách xứng đáng thành quả của hợp tác và phát triển. Bên cạnh những thành tựu, mặt trái của toàn cầu hoá là gia tăng bất bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo. Để khôi phục và củng cố niềm tin đối với tự do thương mại, hội nhập kinh tế, cùng với các chính sách hỗ trợ người lao động về đào tạo nghề, việc làm và an sinh xã hội, thì quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và bảo đảm cân bằng lợi ích, cạnh tranh công bằng. Việc áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với thương mại, đầu tư mà không xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, bỏ qua các khác biệt về trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, thì không những cướp đi cơ hội việc làm của hàng trăm triệu người lao động, mà còn triệt tiêu sức sáng tạo và ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp.
- Thứ ba, cần có các giải pháp căn cơ cho chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, để ứng phó hiệu quả với thách thức lớn nhất của nhân loại là biến đổi khí hậu. Đây là quá trình rất phức tạp đòi hỏi xử lý đồng bộ, hài hòa nhiều yếu tố từ nguồn vốn, công nghệ, hạ tầng, nhân lực cho đến thể chế, chính sách, các vấn đề xã hội và hiệu quả kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ nút thắt về nguồn lực và công nghệ để các nước đang phát triển có thể vừa mở rộng hệ thống năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa cắt giảm phát thải các-bon, hướng tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.
- Thứ tư, bảo đảm các loại công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm và bao trùm, thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Tiến hành chuyển đổi số của thế giới sẽ làm thu hẹp, hoặc ngược lại sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia, phụ thuộc nhiều vào cách thức chúng ta quản lý và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, hệ thống quản trị toàn cầu về lĩnh vực đặc biệt quan trọng này phải được xây dựng trên nguyên tắc chủ đạo là cân bằng giữa khuyến khích phát triển với bảo đảm an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia và các giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại; giữa lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích riêng của doanh nghiệp; tạo cơ hội để tất cả các quốc gia cùng đóng góp và thụ hưởng từ cuộc cách mạng công nghệ.
Vai trò và đóng góp của khối doanh nghiệp
Thưa Quý vị,
4. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong những thành công vượt bậc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và hợp tác APEC nói riêng; các bạn là những người tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế, là người hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo nhất vào cuộc sống. Những chuyển biến có tính thời đại của thế giới đang mang đến thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Tôi mong rằng khối doanh nghiệp sẽ đồng hành với nhà nước để biến thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực. Vai trò của các bạn luôn được coi trọng và tiếng nói của các bạn luôn được lắng nghe.
Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng góp hiệu quả: Thứ nhất, tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số…; trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các loại công nghệ đột phá để tìm lời giải cho các vấn đề cấp bách của thế giới.
Thứ ba, tham gia tích cực vào quá trình định hình luật lệ, quy định cho các lĩnh vực mới, có ý nghĩa chiến lược của kinh tế thế giới.
Thứ tư, đóng vai trò cầu nối, gắn kết các nền kinh tế, thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia.
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam và cơ hội cho các doanh nghiệp
Thưa Quý vị,
5. Sau gần bốn thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, từ tro tàn chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng của hòa bình, điểm sáng của kinh tế thế giới và đất nước của những cơ hội. Giờ đây, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế mới, với khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và với niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng. Hành trang của chúng tôi là (i) một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với quy mô thứ 35 thế giới; (ii) có hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, lấy nhân dân làm trung tâm; (iii) Việt Nam là một dân tộc yêu nước, tự tin, tự lực, tự cường, với dân số hơn 100 triệu người; và (iv) chúng tôi có nhiều bạn bè, đối tác quốc tế rộng khắp năm châu.
Chúng tôi kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng tôi ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới; tin tưởng vào giá trị của tự do thương mại, kết nối và hội nhập quốc tế. Chúng tôi sẽ tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thưa Quý vị,
6. Những thành công to lớn mà kinh tế Việt Nam có được là nhờ một phần quan trọng vào niềm tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế đặt vào đất nước chúng tôi. Tôi mong rằng, các bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường sắp tới. Tôi cũng khẳng định rằng, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch cho đến hạ tầng, logistics và các ngành công nghệ cao. Thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế. Tôi xin nhấn mạnh ba điểm sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam là cửa ngõ chiến lược kết nối thị trường Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương với thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, với một nền kinh tế năng động, có độ mở cao và mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang vươn lên đóng vai trò cầu nối, góp phần mở rộng giao thương, kết nối khu vực và toàn cầu. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, các sáng kiến kết nối, liên kết kinh tế như Sáng kiến Vành đai và Con đường, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam là một thị trường lớn, đầy tiềm năng; một điểm đến thuận lợi cho tiến trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ở khu vực. Với quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới, trong đó lực lượng lao động chiếm 60%, hơn 79% dân số tiếp cận với internet và thương mại điện tử, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh thuộc nhóm thuận lợi nhất ở châu Á, Việt Nam được đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn, là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài; liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng tháo gỡ các điểm nghẽn và ban hành các chính sách linh hoạt, cạnh tranh.
Thứ ba, Việt Nam đang khởi tạo một nền kinh tế mới, chuyển đổi từ nâu sang xanh, từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Để thúc đẩy quá trình này, chúng tôi đang triển khai đồng bộ bốn nhóm giải pháp. Một là, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ưu tiên các ngành công nghệ mới như sản xuất chip, chất bán dẫn, thiết bị tự động, trí tuệ nhân tạo. Hai là, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bốn là phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số.
Mức đầu tư cho hạ tầng của Việt Nam hiện lên đến 5,7% GDP, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và cao thứ hai ở châu Á. Một loạt các dự án hạ tầng lớn đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, đường dây truyền tải điện 500KV, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn vốn đổ vào doanh nghiệp khởi nghiệp tăng nhanh trong những năm qua, dự kiến đạt 5 tỷ đô la Mỹ giai đoạn 2023 - 2025. Việt Nam là một trong các nền kinh tế đi đầu về chuyển đổi số ở khu vực; dự báo quy mô giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2024 đạt 52 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh việc ủng hộ Lộ trình Internet và Kinh tế số APEC, Việt Nam sẵn sàng tham gia đàm phán Hiệp định công nghệ thông tin mở rộng (ITA2) của WTO nhằm tạo thêm hành lang phát triển cho lĩnh vực tiềm năng này.
Thưa Quý vị,
7. APEC ra đời khi thế giới vừa trải qua hơn bốn thập kỷ của chiến tranh, chia cắt và khủng hoảng. Với khát vọng hòa bình và phát triển, APEC được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng và củng cố quan hệ đối tác giữa các nền kinh tế. Ngày nay, trước những biến động to lớn của thế giới và những rủi ro về bảo hộ, phân mảnh, phân tách, một lần nữa APEC cần gánh vác trách nhiệm cầu nối, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên để cùng xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế minh bạch, bình đẳng, bảo đảm lợi ích cân bằng cho tất cả các bên. Tôi mong rằng quý vị sẽ cùng suy ngẫm và đề xuất ý tưởng để APEC đạt được mục tiêu này.
Tôi tin tưởng rằng Hội nghị lần này sẽ mang đến làn gió mới, sinh khí mới, để tất cả chúng ta cùng bước vào kỷ nguyên mới của cơ hội và thành công, kỷ nguyên của châu Á - Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, hòa bình và thịnh vượng.
Một lần nữa tôi xin bày tỏ sự cảm kích của mình đối với đất nước Pê-ru tươi đẹp, hiếu khách và sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của các bạn cho Tuần lễ cấp cao APEC 2024.
Chúc các Quý vị mạnh khoẻ và hạnh phúc.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
>> Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Thị trưởng Lima và nhận Chìa khoá biểu tượng thành phố 
Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Thị trưởng Lima và nhận Chìa khoá biểu tượng thành phố 
Tổng thống Peru chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường