TP giàu nhất Việt Nam đầu tư hơn 21.000 tỷ làm tuyến đường tốc độ nhanh kết nối sân bay lớn nhất cả nước
Dự án có tổng chiều dài khoảng 16,7km, quy mô gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 21.484 tỷ đồng.
Theo Báo Tuổi Trẻ, Sở Giao thông công chánh TP. HCM cho biết, thành phố đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường tốc độ nhanh (ít giao cắt, ít gián đoạn) kết nối sân bay Long Thành .
Tuyến đường này có điểm đầu tại đường Nguyễn Hữu Thọ (trục Bắc - Nam), huyện Nhà Bè, TP. HCM và điểm cuối tại đường Liên Cảng, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo hướng tuyến dự kiến, dự án sẽ xuất phát từ đường Nguyễn Hữu Thọ, đi theo hướng Đông, kết nối vào đường Hoàng Quốc Việt, sau đó đến đường Đào Trí, vượt sông Đồng Nai và tiếp nối với đường Liên Cảng, sau cùng nhập vào đường 25C (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Dự án có tổng chiều dài khoảng 16,7km, quy mô gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 21.484 tỷ đồng.

Sở Giao thông công chánh cho biết, bên cạnh các dự án cửa ngõ, đường vành đai và cao tốc đang triển khai, TP. HCM đang định hướng phát triển mạng lưới khoảng 10 tuyến đường trục chính tốc độ nhanh, kết nối trung tâm thành phố với các tuyến đường liên vùng.
Đây là một ý tưởng mới đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời được tích hợp vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Các tuyến trục tốc độ nhanh có thể được xây dựng trên cao, dưới thấp, đi ngầm hoặc kết hợp, tùy điều kiện thực tế.
>> Cuối năm nay, tuyến cao tốc gần 44.000 tỷ nối Bình Định tới TP lớn thứ 2 Tây Nguyên sẽ khởi công
Tuyến cầu đường Phú Mỹ 2 cùng với các tuyến trên cao dọc trục Nguyễn Hữu Thọ (TP. HCM) và đường 25C (Đồng Nai), sẽ hình thành trục giao thông huyết mạch kết nối hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Đồng thời, tuyến đường này còn kết nối khu đô thị Nam Sài Gòn với TP. mới Nhơn Trạch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và thu hút đầu tư.
Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo TP. HCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất giao UBND TP. HCM làm cơ quan chủ quản tổ chức triển khai đầu tư dự án theo quy định. Mục tiêu là trình thông qua chủ trương đầu tư trong quý IV/2025 và khởi công dự án vào năm 2027.
Về hướng kết nối giữa TP. HCM và Đồng Nai, hai địa phương dự kiến sẽ thành lập Ban Chỉ đạo chung nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho ba dự án chính: Cầu đường Phú Mỹ 2, cầu Cát Lái và cầu Đồng Nai 2.
Song song với phát triển hạ tầng đường bộ, việc kết nối đường sắt cũng đang được thúc đẩy. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên ) sẽ được kéo dài đến Trảng Bom, hiện tỉnh Đồng Nai đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Riêng tuyến đường sắt kết nối TP. HCM với sân bay Long Thành, thành phố đã đề xuất bổ sung vào danh mục dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188 của Quốc hội về phát triển đường sắt đô thị tại TP. HCM và Hà Nội.
Nhằm tăng khả năng tiếp cận sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động, Sở Giao thông công chánh TP. HCM cũng đề xuất mở hai tuyến xe buýt kết nối: Tuyến Bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Long Thành và tuyến sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành.
Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai để nghiên cứu, rà soát và bổ sung mạng lưới tuyến liên thông phù hợp với tình hình phát triển mới và kế hoạch sáp nhập tỉnh.
Ngoài các phương án đường bộ và đường sắt, người dân còn có thể lựa chọn đi tàu cao tốc đường thủy để kết nối từ trung tâm TP. HCM đến sân bay Long Thành.
Dự kiến trong tháng 5/2025, Sở Giao thông công chánh sẽ lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để trình UBND TP về việc thành lập tổ công tác, đồng thời mời gọi doanh nghiệp tham gia khai thác tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến du thuyền SwanBay (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Với tiến độ triển khai thi công "thần tốc" trên tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", sân bay Long Thành giai đoạn 1 hiện đang được triển khai các thủ tục để đưa vào khai thác.
Theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP.HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
>> Đô thị đặc biệt của Việt Nam chốt phương án sắp xếp, giảm còn 126 xã, phường
Dự kiến sẽ có tuyến đường 29.000 tỷ kết nối TP. Hoa Lư đến thành phố cổ thứ 2 Việt Nam
Hai ‘thủ phủ công nghiệp miền Bắc’ dự kiến sáp nhập chính thức có thêm tuyến đường kết nối 1.500 tỷ