TP. HCM đề xuất làm đường sắt 3,4 tỷ USD kết nối sân bay Long Thành: Hòa Phát, THACO, Vingroup nhập cuộc?
UBND TP. HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, kết nối hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP. HCM làm cơ quan chủ trì thực hiện dự án nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch, đầu tư, vận hành, đồng thời tận dụng tối đa quỹ đất xung quanh dự án.
Theo quy hoạch, TP. HCM có 4 tuyến đường sắt kết nối hai sân bay lớn gồm: các tuyến metro số 2, 4 và 6, cùng tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm – Long Thành. Trong đó, 3 tuyến metro đang được thành phố ưu tiên chuẩn bị đầu tư theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 188.
Riêng tuyến Thủ Thiêm – Long Thành, UBND TP. HCM nhận định đầu tư công là hình thức phù hợp nhất để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, do nguồn lực hiện tại đang dồn cho các dự án ưu tiên khác, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ xem xét phân bổ ngân sách Trung ương cho dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 3,4 tỷ USD.
Theo phương án do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) xây dựng, tuyến Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài 42km, thiết kế đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ 120km/h, gồm 20 ga, kết nối TP. HCM và Đồng Nai đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
![]() |
Phương án xây dựng tuyến đường sắt nối TP. HCM với sân bay Long Thành |
Nếu dự án được triển khai, nhiều khả năng sẽ thu hút sự tham gia của các tập đoàn tư nhân lớn như Hòa Phát , Vingroup , THACO – những doanh nghiệp đang chủ động đề xuất tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khẳng định: "Hòa Phát sẽ không chỉ tham gia vào dự án tàu cao tốc Bắc - Nam mà muốn đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt. Công ty sẽ cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... chủ yếu là phần nền, không sản xuất toa tàu... Đây là nhiệm vụ đất nước giao nên sẽ làm... Chúng tôi sẽ làm để thể hiện uy lực của tập đoàn".
Tại cuộc họp với Chính phủ tháng 2/2025, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương cũng khẳng định rằng doanh nghiệp sẽ ưu tiên tham gia các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt là sản xuất toa tàu và cấu kiện thép.
Tương tự, ông Trần Đình Long nhấn mạnh các dự án đầu tư công như đường sắt đô thị Hà Nội, TP. HCM, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... sẽ mang lại thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Vingroup – ông Nguyễn Việt Quang nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, và Vingroup đang không ngừng đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và kinh tế số.
Mới đây nhất, ngày 17/3/2025, Vingroup đã gửi văn bản đề xuất UBND TP. HCM và Sở Giao thông Vận tải đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP. HCM – Cần Giờ với vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Tuyến này dự kiến sử dụng kết cấu đường đôi, khổ 1.435mm, vận tốc tối đa 250km/h, được thiết kế trên cao và phù hợp quy hoạch đến năm 2050.
>> Chia việc với THACO tại dự án 67 tỷ USD, Hòa Phát sắp xây thêm nhà máy để 'thị uy sức mạnh'