Nhằm khôi phục lại nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng, buổi tọa đàm "Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững" đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan.
Hiện nay, thống kê từ các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy số ngày tồn kho bất động sản đang tăng vọt lên mức báo động. Số ngày tồn kho bình quân đã gần chạm mức 1.500 ngày, tức phải trên 4 năm mới tiêu thụ hết. Con số này đã tăng mạnh so với cuối năm 2021 và xấp xỉ gấp đôi so với giai đoạn 2019-2020.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng, xu hướng doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau với kỳ hạn ngày càng dài hơn. Một số nhà thầu lớn cũng cho biết các chủ đầu tư bao gồm cả các tập đoàn lớn đang gặp khó khăn về vốn kể từ sau COVID-19 đã đề nghị hỗ trợ giãn tiến độ thanh toán từ 3 tháng lên 4, thậm chí 5, 6 tháng tạo nên khó khăn dây chuyền.
Tốc độ triển khai dự án đang có dấu hiệu chậm đi, vòng quay tiền chậm lại và áp lực lãi vay ngày một lớn, trong khi hầu hết các kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay bao gồm vay ngân hàng, khách hàng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu gần như tắc nghẽn kể từ quý II/2022 đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.
Theo đó, buổi Tọa đàm "Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững" đã được tổ chức cùng với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành quản lý trong lĩnh vực vốn và tài chính, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chuyên gia kinh tế đầu ngành, tổ chức huy động vốn, ngân hàng thương mại, tổ chức xếp hạng, công ty kiểm toán.
Theo đó, buổi tọa đàm sẽ hướng tới mục tiêu đánh giá tương lai và triển vọng các kênh vốn cho thị trường bất động sản, làm rõ vai trò của thị trường vốn trong nền kinh tế, khuyến nghị các giải pháp thị trường theo thông lệ và quy luật của nền kinh tế để giúp thị trường vốn phát triển bền vững, lành mạnh; tạo lợi ích cho cả tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, buổi tọa đàm sẽ tập trung thảo luận về một số vấn đề như nắm bắt định hướng chính sách phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản trong ngắn, trung và dài hạn, vấn đề room tín dụng và tỷ lệ tín dụng trung và dài hạn, huy động vốn qua kênh trái phiếu trên cơ sở pháp lý mới, những tín hiệu từ thị trường cổ phiếu , các hình thức huy động vốn khả thi khác, xếp hạng tín nhiệm và minh bạch giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược vốn hiệu quả, linh hoạt thích ứng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Xem thêm: Hướng đi nào cho doanh nghiệp bất động sản "sinh sau đẻ muộn"?