Trước khi sụp đổ, Silicon Valley Bank không có giám đốc quản lý rủi ro trong gần 1 năm

12-03-2023 10:19|Minh Vũ

Silicon Valley - ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ mới sụp đổ gần đây đã không có giám đốc quản lý rủi ro trong tận 8 tháng.

Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chính thức dừng hoạt động. Đây là sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ kể từ năm 2008.

SVB đã bị giới chức California đóng cửa và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.

Mới đây, tờ Fortune tiết lộ, trong tuyên bố ủy quyền được nộp vào đầu tháng này của SVB, giám đốc quản lý rủi ro (CRO) của ngân hàng này đã thôi giữ vai trò trên từ năm ngoái.

Cụ thể, bà Laura Izurieta đã thôi giữ vai trò CRO của SVB Financial (công ty mẹ của SVB) vào tháng 4/2022 và chính thức rời công ty vào tháng 10/2022. Sau đó, tháng 1 năm nay, SVB mới chỉ định CRO mới là bà Kim Olson. Điều đó đồng nghĩa với việc SVB, ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khối tài sản lên tới 209 tỷ USD, không có giám đốc quản lý rủi ro trong tận 8 tháng!

Việc này khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, SVB đã quản lý rủi ro như thế nào trong giai đoạn gần một năm không có CRO. Thời điểm hiện tại, phía SVB không trả lời yêu cầu bình luận của Fortune về vấn đề này.

Nhân viên rủi ro là người thường dự đoán và quản lý các rủi ro về quy định, hoạt động, cạnh tranh hay các rủi ro khác mà công ty phải đối mặt. CRO của SVB báo cáo trực tiếp với “Ủy ban rủi ro”, bao gồm chủ tịch Hội đồng quản trị của SVB và một số thành viên khác bên cạnh CEO, theo hồ sơ của công ty. Ủy ban trên chịu trách nhiệm tuyển dụng, đánh giá và chấm dứt hợp đồng với CRO. Tính đến năm 2023, ủy ban này của SVB có tất cả bảy thành viên.

Sự sụp đổ của SVB khiến nhiều người lo ngại một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong hệ thống tài chính Mỹ giống như sau vụ Lehman Brothers hồi năm 2008.

Trong hai phiên 9-10/3, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lớn tại Mỹ đồng loạt bị bán tháo và vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD. Cụ thể, một số cổ phiếu ngân hàng đã liên tục bị tạm dừng giao dịch bao gồm First Republic, PacWest and Signature Bank. Cổ phiếu First Republic giảm 14,8% còn cổ phiếu PacWest bốc hơi 37,9%.

Một số cổ phiếu ngân hàng đầu ngành bị giảm nhẹ. Goldman Sachs và Bank of America lần lượt giảm 4,2% và 0,9%, trong khi JPMorgan vẫn tăng 2,5%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 4 liên tiếp, mất 345,22 điểm xuống 31.909,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,45% xuống 3.861,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,76% còn 11,138.89 điểm.

Cả 3 chỉ số chính này đều khép lại tuần qua với sắc đỏ. Dow Jones giảm 4,44%, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022. S&P 500 mất 4,55%, còn Nasdaq Composite sụt 4,71% trong tuần.

Có một loại tài sản hấp dẫn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến chứng khoán, ngân hàng

Không phải vàng và chứng khoán, đây mới là kênh đầu tư tốt nhất nửa đầu năm 2023

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truoc-khi-sup-do-silicon-valley-bank-khong-co-giam-doc-quan-ly-rui-ro-trong-gan-1-nam-173121.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trước khi sụp đổ, Silicon Valley Bank không có giám đốc quản lý rủi ro trong gần 1 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH