Trước thềm đàm phán với Mỹ, Phó Thủ tướng ra công văn khẩn về thương vụ mua máy bay tỷ USD của Vietnam Airlines (HVN)
Vietnam Airlines (HVN) dự kiến chi khoảng 3,7 tỷ USD để nâng cấp đội bay, với 50 máy bay thân hẹp mới và 10 động cơ dự phòng.
Ngày 7/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 2912/VPCP-CN gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã: HVN ) liên quan đến dự án đầu tư đội tàu bay thân hẹp của hãng hàng không quốc gia.
Theo nội dung công văn, trên cơ sở kiến nghị của Vietnam Airlines ngày 4/4/2025 về dự án đầu tư tàu bay thân hẹp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất của doanh nghiệp, đưa ra ý kiến cụ thể đối với từng nội dung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong ngày 7/4/2025.
![]() |
Vietnam Airlines (HVN) muốn đầu tư 50 tàu bay thân hẹp |
Cách đây ít ngày, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Vietnam Airlines để hướng dẫn trình tự và thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mua sắm máy bay.
Được biết, Vietnam Airlines muốn đầu tư 50 tàu bay thân hẹp Airbus A320NEO hoặc Boeing B737 MAX và 10 động cơ dự phòng có tổng trị giá khoảng 92.800 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), tương đương 160% tổng tài sản của hãng tính đến cuối năm 2024 theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Theo quy định tại Luật số 69 về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, với các dự án có quy mô đầu tư vượt quá 35% tổng tài sản, doanh nghiệp bắt buộc phải xin ý kiến Bộ Tài chính trước khi đại diện tham gia biểu quyết tại ĐHĐCĐ hoặc HĐQT. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng, Vietnam Airlines cần báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Trong trường hợp được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, Vietnam Airlines mới có thể triển khai thủ tục đầu tư với sự phối hợp của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả đầu tư, cũng như đảm bảo việc bảo toàn vốn Nhà nước.
Trên thực tế, kế hoạch bổ sung đội tàu bay thân hẹp đã được Vietnam Airlines đề xuất từ vài năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai, đồng thời thay thế dần các tàu bay A321 CEO cũ nhằm tối ưu hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số quy định pháp lý hiện hành.
Hiện tại, đội bay của hãng hàng không quốc gia vào khoảng 100 chiếc, trong đó có hơn 30 máy bay thân rộng. Theo kế hoạch phát triển đội bay, đến năm 2030, Vietnam Airlines sẽ cần 37 tàu bay thân rộng, 95 tàu thân hẹp và 5 chiếc ATR. Đến năm 2035, nhu cầu tăng lên tương ứng là 52 tàu thân rộng và 112 tàu thân hẹp.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, tổng doanh thu và thu nhập khác hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 113.746 tỷ đồng, riêng công ty mẹ ghi nhận 85.428 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục 7.958 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.775 tỷ đồng.
Rạng sáng ngày 3/4/2025 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Theo ông Trump, con số này đã được tính toán dựa trên "tất cả các loại thuế quan, rào cản phi tiền tệ và các hình thức gian lận khác". Mức thuế đã chính thức có hiệu lực từ 11h ngày 9/4 (giờ Việt Nam). Hiện, Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới Mỹ để cụ thể hóa các nội dung đàm phán nhằm sớm đạt thỏa thuận, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Theo Reuters, Phó Thủ tướng dự kiến có cuộc hội đàm vào hôm nay (9/4) với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Trong tuần này, lãnh đạo Việt Nam cũng lên kế hoạch gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của các Tập đoàn lớn như Boeing, SpaceX và Apple.
>> Reuters: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ vào đêm nay