TTCK Mỹ 'đập lên, đập xuống' vì tin giả: Cú tăng 2.500 tỷ USD trong 7 phút khiến nhà đầu tư lạc lối
Sự biến động chóng mặt của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên đầu tuần cho thấy mức độ nhạy cảm của nhà đầu tư trước những tín hiệu mâu thuẫn từ Nhà Trắng về chính sách thuế quan.
Phiên hôm qua (7/4), thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục rất mạnh sau khi xuất hiện tin đồn Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn thuế quan trong 90 ngày. Thông tin chưa kiểm chứng này đã kích hoạt làn sóng mua vào ồ ạt, khiến vốn hóa thị trường tăng thêm khoảng 2.500 tỷ USD. Nhưng điều đó chỉ kéo dài trong vỏn vẹn 7 phút.
Khi Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ , nhà đầu tư nhanh chóng rút lui khiến thị trường giảm điểm trở lại. Dù vậy, đợt bán tháo không diễn ra dữ dội như trong phiên cuối tuần trước. Các chỉ số chính của Mỹ dao động nhẹ giữa sắc xanh và đỏ trong phần còn lại của phiên giao dịch, phản ánh tâm lý thận trọng và trạng thái gần như “tê liệt” của thị trường trước diễn biến căng thẳng về thuế quan.

Diễn biến này cho thấy rõ tính hai mặt trong các kịch bản có thể xảy ra nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nếu giữ nguyên chính sách thuế quan, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái và chỉ số S&P 500 có thể rơi vào thị trường giá xuống. Ngược lại, nếu chính sách được gỡ bỏ, thị trường có thể hồi phục mạnh và lập kỷ lục mới.
“Không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu ngày mai ông Trump tuyên bố ‘Tôi sẽ không làm điều đó nữa’, thị trường sẽ lập tức trở lại đỉnh cao mới,” Ross Gerber, Giám đốc điều hành tại Gerber Kawasaki Wealth and Investment Management, nhận định.
Phiên giao dịch đầu tuần cho thấy chỉ một tin đồn trì hoãn thuế quan cũng đủ giúp vốn hóa của TTCK Mỹ tăng thêm 2.500 tỷ USD. Đối với các nhà đầu tư đã bán tháo sau khi chỉ số S&P 500 giảm 10% trong hai phiên cuối tuần trước, việc bỏ lỡ một cú hồi lớn như vậy là điều đáng lo ngại.
Và những thông điệp mâu thuẫn từ chính quyền càng khiến thị trường thêm hỗn loạn . Trong khi một số quan chức nội các cho biết Mỹ đang đàm phán với 50, thậm chí 70 quốc gia, thì Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro lại tuyên bố không có gì để thương lượng.
Bản thân ông Trump cũng khiến thông điệp trở nên khó đoán. “Chúng tôi có thể áp thuế cố định, nhưng cũng có thể đàm phán, vì còn nhiều yếu tố khác ngoài thuế", ông nói trong một tuyên bố chiều thứ Hai.
Tình trạng bất định này khiến giới giao dịch rơi vào thế bị động.

“Ai cũng nghĩ mình có thể kiếm lời từ biến động thị trường, nhưng lần này thì khác – vì bản chất vấn đề không rõ ràng", Alec Young, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Mapsignals, nhận định. “Nếu chính sách này thực sự có hiệu lực lâu dài, nó sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc thị trường chứng khoán Mỹ”.
Tình trạng bất ổn khiến việc cân bằng danh mục đầu tư trở nên đầy thách thức. Nhà đầu tư đứng giữa hai rủi ro: bị cuốn vào làn sóng bán tháo vì hoảng loạn, hoặc bỏ lỡ cơ hội tăng giá nếu chính sách thuế quan thay đổi đột ngột. Hệ quả là hành vi đầu tư truyền thống đang cần được điều chỉnh.
“Lịch sử cho thấy việc mua vào khi thị trường điều chỉnh thường mang lại hiệu quả", Brent Schutte, Giám đốc đầu tư tại Northwestern Mutual Wealth Management Co., nhận định. “Tôi tin rằng chiến lược này sẽ tiếp tục có giá trị trong tương lai.”
Tuy nhiên, Schutte lưu ý rằng chính sách của Tổng thống hiện đang có tác động lớn hơn cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc định hướng thị trường. “Tôi không kỳ vọng Trump sẽ sớm mang lại sự rõ ràng – ít nhất không phải kiểu rõ ràng mà chúng ta từng quen từ các quyết định lãi suất của Fed.”
“Thời đại của sự thỏa mãn tức thì có thể đã kết thúc. Fed từng là điểm tựa chính của thị trường, nhưng hiện nay họ không còn giữ vai trò đó nữa. Không còn một ‘Fed put’ – tức là sự hỗ trợ ngầm từ Fed mà nhà đầu tư kỳ vọng – và tôi cũng không thấy có một ‘Trump put’ vào lúc này".
Dẫu vậy, khi Tổng thống chính là nguồn cơn của sự biến động hiện tại, một số nhà đầu tư vẫn đặt hy vọng rằng ông sẽ tìm cách ổn định thị trường.
“Chúng ta đang chứng kiến một sự kiện mang tính cực đoan – một cú sốc với 3 ẩn số do chính sách từ Nhà Trắng gây ra", Rob Conzo, Giám đốc điều hành Wealth Alliance, đánh giá. Ông cho rằng nếu có bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán thuế quan , đặc biệt với các đối tác bị áp mức thuế cao nhất, thị trường hoàn toàn có thể bật tăng mạnh.
“Đây không phải là rủi ro hệ thống – nó là hệ quả của những yếu tố do con người tạo ra", Chuyên gia Conzo nói thêm. “Điều đó mang lại hy vọng cho nhà đầu tư, ít nhất là với những người chuyên nghiệp. Đây có thể là thời điểm để tận dụng cơ hội, thay vì hoảng loạn.”
Ngoài yếu tố thị trường, các động lực chính trị cũng có thể thúc đẩy thay đổi chính sách. Đảng Cộng hòa có thể đối mặt với rủi ro mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 nếu cử tri phải hứng chịu suy thoái kinh tế và thiệt hại đầu tư nặng nề – với mức giảm lên tới 20% tài sản chỉ trong vài ngày.
“Nếu chính quyền gây sụp đổ thị trường và đẩy đất nước vào một cuộc suy thoái kèm lạm phát, giá cả sẽ tăng vọt – và quyền lực có thể bị đánh mất", Alec Young cảnh báo.
Ngay từ khi ông Trump đắc cử, Ross Gerber – CEO của Gerber Kawasaki – đã chuyển sang chiến lược đầu tư thận trọng hơn, nhằm giảm thiểu thiệt hại nhưng vẫn duy trì khả năng nắm bắt những đợt phục hồi.
“Ngay cả trong tình thế hỗn loạn, vẫn có cơ hội – đặc biệt là với nhà đầu tư dài hạn”, Gerber chia sẻ. “Nếu bạn tin rằng các chính sách này rồi sẽ bị đảo ngược, thì đây chính là thời điểm thích hợp để đầu tư. Quan trọng là phải giữ cái đầu lạnh và tập trung vào nền tảng thực tế của nền kinh tế”.
Tham khảo BNN, CNBC
>> 9.500 tỷ USD 'bốc hơi' trong 3 ngày: Nhà đầu tư tháo chạy, chuyên gia cảnh báo ’chưa phải đáy’
Điều khiến Trung Quốc ‘chơi rắn’ với đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump
Chứng khoán quốc gia Đông Nam Á lao dốc, đối mặt 'khủng hoảng' thuế quan toàn cầu