Tuyến đường dài nhất Việt Nam, gần 20.000km, từng là minh chứng sống trong kháng chiến chống Mỹ
Ngày 28/10/2011, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là con đường có độ cao, cao nhất và độ dài, dài nhất.
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh – không chỉ là tuyến vận tải quân sự chiến lược mà còn là biểu tượng của ý chí, lòng quả cảm và trí tuệ của nhân dân Việt Nam. Với chiều dài lên tới 20.000km, đây là tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam, là mắt xích chiến lược kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dẫn tin từ báo Kinh tế và Đô thị, ngày 19/5/1959 – đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự, giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây được xem là mốc son khai sinh tuyến đường Trường Sơn lịch sử, đồng thời là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.
> > Việt Nam lên kế hoạch đầu tư gần 450.000 tỷ đồng phát triển hệ thống sân bay trong 5 năm tới
Vượt qua vô vàn gian khó và hiểm trở của rừng thiêng nước độc, đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 chính thức khảo sát và mở tuyến từ Khe Hó (Vĩnh Linh) đến Pa Lin – cửa ngõ chiến trường Khu 5. “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” – khẩu hiệu ấy đã trở thành phương châm hành động của những người mở đường huyền thoại. Ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên được gùi bộ qua rừng núi, mang theo vũ khí và khát vọng từ miền Bắc, tới tay cán bộ, chiến sĩ Khu 5 – đánh dấu bước khởi đầu đầy khí thế cho cuộc vận chuyển chiến lược.
Chỉ trong năm 1959, Đoàn 559 đã đưa vào chiến trường hơn 1.600 khẩu súng, hàng trăm nghìn viên đạn và đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam. Đến năm 1963, lực lượng này đã chuyển vào Nam tới 160.000 khẩu súng các loại, góp phần quyết định vào những chiến thắng vang dội như Đồng Xoài, Bình Giã, Ba Gia…
Cùng với quy mô vận tải ngày càng lớn, hệ thống đường Trường Sơn cũng liên tục mở rộng. Đến cuối năm 1964, tuyến đường gồm 781km đường ô tô, hơn 600km đường giao liên, 1.900 xe đạp thồ, hàng trăm ô tô, ngựa thồ, voi thồ. Mạng lưới giao thông khổng lồ này hình thành ba trục song song – đường giao liên, đường gùi thồ, đường cơ giới – phục vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, quân y, nhân lực chi viện khắp các mặt trận miền Nam.
Tính đến ngày 30/4/1975, tuyến đường Trường Sơn đã có gần 120.000 lượt nhân công, trong đó có lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã góp sức tạo dựng nên mạng lưới vững chắc, xuyên suốt dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Tổng chiều dài của con đường Trường Sơn lên tới 20.000km (chỉ tính đường ô tô đi được, đường mòn cho bộ binh hành quân còn dài gấp nhiều lần như vậy), 1.400km đường ống xăng dầu và đặc biệt quan trọng là 3.140km "đường kín", cho phép xe tải của ta chạy được vào ban ngày mà không bị phát hiện.
Trong suốt 16 năm, tuyến đường đã vận chuyển 2 triệu lượt người, đưa vào Nam 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hơn 1 triệu tấn hàng hóa và hàng chục nghìn tấn vũ khí. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 28/10/2011, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường có độ cao, cao nhất và độ dài, dài nhất.

Ngày nay, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình, trở thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối các vùng miền đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giá trị lịch sử và ý nghĩa thiêng liêng của nó sẽ mãi được khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam như một bản hùng ca bất diệt về lòng yêu nước, đoàn kết và khát vọng thống nhất non sông.
> > Lên kế hoạch xây dựng tuyến metro kết nối 3 tỉnh, thành giàu nhất Việt Nam